Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

GDP quý 2/2025 tăng 7,96%

11:50 05/07/2025

Theo Cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý 2/2025 của Việt Nam ước đạt 7,96% - mức tăng cao thứ 2 trong giai đoạn 2020 – 2025, chỉ sau quý 2/2022 (tăng 8,56%).

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, GDP tăng 7,52% – mức tăng cao nhất trong cùng kỳ 15 năm qua (2011–2025). Động lực chính cho tăng trưởng đến từ khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, với vai trò là trụ cột của nền kinh tế.

Trong đó, ngành công nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực. Một số mặt hàng chủ lực tăng mạnh nhờ nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng tăng 8,07% – cao thứ hai trong giai đoạn 2020–2025, chỉ sau mức tăng 8,89% của cùng kỳ năm 2022.

Khu vực dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh nhờ ngoại thương, vận tải và du lịch phục hồi tốt. Giá trị tăng thêm đạt 8,14% – mức cao nhất trong cùng kỳ các năm từ 2011 đến nay.

Trong khi đó, khu vực nông – lâm – thủy sản tăng trưởng chậm hơn với mức tăng 3,51%, chủ yếu nhờ nông nghiệp duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khu vực này đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị gia tăng toàn nền kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất siêu 7,63 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2024 (12,15 tỷ USD). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 432 tỷ USD, với tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt 14,4% và 17,9%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 2 tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng, CPI tăng 3,27%; lạm phát cơ bản tăng 3,16%.

Theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Cục Thống kê, kết quả kinh tế – xã hội quý 2 và nửa đầu năm đạt được là “rất tích cực”, tiệm cận mục tiêu cả năm trong bối cảnh thế giới vẫn nhiều bất ổn. Tuy nhiên, bà nhận định đạt được mức tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 sẽ là một thách thức lớn.

Cục Thống kê kiến nghị các cấp, ngành cần chủ động dự báo, điều hành linh hoạt, kiểm soát lạm phát và đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi, cải cách môi trường đầu tư để thu hút các tập đoàn lớn, công nghệ cao, các nhà đầu tư chiến lược đặt trung tâm nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam./.