Founder VNG Lê Hồng Minh: Zalo không bị áp lực “kiếm tiền”, là sản phẩm của người Việt
08:44 09/09/2024
Ông Lê Hồng Minh – nhà sáng lập CTCP VNG (Mã CK: VNZ) – đã chia sẻ như vậy tại bài viết được trang Facebook chính danh của kỳ lân công nghệ này chia sẻ vào tối muộn ngày 8/9, ít giờ trước khi VNG bước sang tuổi 20.
Bài viết không đề cập cụ thể thời gian nhưng hẳn nó được viết khi ông Lê Hồng Minh vẫn đang đảm nhiệm chiếc ghế quyền lực nhất trong ban điều hành: CEO VNG. Chẳng hạn, tiêu đề bài viết ghi rõ: "CEO VNG Lê Hồng Minh: Chúng tôi làm công nghệ và trưởng thành"
Tuy vậy, một diễn biến đáng chú ý mới đây cho thấy VNG có thể đã miễn nhiệm ông Minh khỏi ghế CEO. Người thay thế lại không phải “co-founder” Vương Quang Khải cũng là một diễn biến đáng chú ý khác.
Chưa rõ điều gì đang xảy ra ở VNG nhưng dưới bài đăng, một “starter” bình luận: “VNG cố lên, chúng ta cùng vượt bão”.
>18 năm trước, vị doanh nhân từng theo học ngành tài chính ngân hàng ở Úc có bài viết: “Tôi chơi và làm game”, qua đó đánh dấu cột mốc đáng nhớ đầu tiên trong hành trình làm công nghệ. Khi ấy, team VNG xác định sẽ làm “nhiều thứ hơn game” và đặt Yahoo làm đối thủ trực tiếp.
Ông Minh cũng tiết lộ một chi tiết khá thú vị rằng, bài viết hồi cuối năm 2006 cũng là nguồn cảm hứng để VNG chiêu mộ được nhiều người mới, nổi bật nhất là ông Vương Quang Khải – người vừa tốt nghiệp Master ở Đại học Columbia (Mỹ).
Nhà sáng nghiệp VNG cho hay, sau “thành công quá nhanh và quá lớn” của game Võ Lâm Truyền Kỳ, VNG tung ra nhiều sản phẩm “web” (tin tức, blog, mạng xã hội, nhạc, video…) nhưng nhanh chóng nhận ra “không thể thành công lâu dài bằng cách này”.
“Phải xây dựng sản phẩm và làm chủ công nghệ bằng chính năng lực cốt lõi của mình” – founder VNG kể về “bài học đầu tiên”. “Trên hành trình trở thành công ty công nghệ thực thụ, chúng ta cần phải tự học cách xây dựng sản phẩm, dù quá trình này vốn nhiều khó khăn, rủi ro, và rất tốn kém”, ông viết.
Zalo, ZingPlay và các mảng kinh doanh mới như Zalopay, Cloud và AI - theo vị doanh nhân sinh năm 1977 - đều được xây dựng và kiên trì đi theo nguyên tắc này.
“Chúng ta còn nhớ giai đoạn 2019 khi Zalo đứng trước rất nhiều áp lực và nghi ngờ từ các cơ quan quản lý. Chúng ta đã kiên trì làm việc và minh bạch hoá toàn bộ source code và hệ thống vận hành để khẳng định Zalo là sản phẩm của người Việt”, founder VNG kể lại. Ông cho rằng, việc Zalo trở thành ứng dụng tin nhắn hàng đầu tại Việt Nam là nhờ kiên trì tập trung vào giá trị cốt lõi của sản phẩm và không bị áp lực “kiếm tiền”.
Mặt khác, nhà sáng lập VNG cũng cho biết các game crypto không tạo ra giá trị thực sự cho người dùng, trừ việc đầu cơ, và vì vậy đã kiên quyết nói không với làn sóng game “crypto lùa gà”.
Còn nhớ, tại một hồ sơ gửi Ủy ban chứng khoán Mỹ hồi tháng 8/2023, VNG Limited – cổ đông lớn nhất, pháp nhân kiểm soát VNG – đã hé lộ tỷ lệ sở hữu dự kiến của Tencent Holdings (Tencent) và Ant Group tại doanh nghiệp này nếu IPO thành công. Theo đó, Tencent dự kiến sẽ trở thành cổ đông ngoại lớn nhất, khi sở hữu 65,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ quyền biểu quyết ở mức 23,2%.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc được tin rằng đã nắm giữ cổ phần VNG từ nhiều năm nay. Bản thân VNG từng ghi nhận Tencent Holdings Limited là ‘cổ đông lớn’ nhưng không đề cập cụ thể tỷ lệ sở hữu.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất đã soát xét gần nhất – cho kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2024, VNG ghi nhận loạt nghiệp vụ với Tencent Shenzen và Tencent Shanghai – các tổ chức là “bên liên quan với các công ty có ảnh hưởng đáng kể” đến tập đoàn./.