Hương Ly Thứ Năm, 5/12/2024, 17:10 (GMT+7)
Người theo dõi

Fomo là gì? Có nên Fomo sau phiên FTD? Fomo có đáng sợ như lời đồn?

Fomo (Fear of Missing out) hay nỗi sợ bị bỏ lỡ là bẫy tâm lý thường gặp trong chứng khoán, đặc biệt là sau các phiên FTD. Fomo có thực sự đáng sợ? Làm thế nào để vượt qua Fomo hiệu quả?

Bản thân nhà bác học thiên tài Isaac Newton cũng lỗ sấp mặt vì Fomo, đến nỗi ông phải thốt lên rằng: “Tôi có thể tính toán được sự chuyển động của các hành tinh, nhưng không thể tính toán được sự điên rồ của con người”.

Chuyện là Issac Newton kiếm được khá nhiều tiền và đầu tư gần như toàn bộ vào thị trường chứng khoán, cụ thể là cổ phiếu South Sea. 

Ban đầu, khi giá cổ phiếu tăng, ông chốt lời và kiếm được khoản lãi kếch xù. Sẽ không có gì đáng nói nếu cổ phiếu South Sea sau đó tăng tiếp và Newton đã “vào hàng” lần hai, với gần như toàn bộ tài sản. Ngay sau đó, cổ phiếu South Sea lao dốc mạnh, khiến Newton mất cả vốn lẫn lãi. 

Cú sấp mặt vì chứng khoán khiến Newton ám ảnh tới nỗi, ông đã cấm bất kỳ ai nói từ “South Sea Bubble” trước mặt mình.

Fomo là gì? Fomo trong chứng khoán có đáng sợ?Dính Fomo, đến Isaac Newton lỗ sấp mặt!

Fomo là gì?

Fomo là viết tắt của Fear of missing out, hay hiệu ứng sợ bị bỏ lỡ. Đây là thuật ngữ ám chỉ hiệu ứng tâm lý thường gặp của con người: Sợ bỏ lỡ cơ hội khi đứng ngoài trào lưu của đám đông. 

Toát lên từ tên gọi, Fomo “sinh ra và lớn lên” từ lòng tham và nỗi sợ trở thành “người tối cổ”, “đứng ngoài cuộc chơi” khi thị trường chứng khoán tăng điểm từng ngày. 

Với sự phát triển của truyền thông và internet, nhà đầu tư dễ dàng tiếp xúc với các thông tin, bàn luận và những lời hô hào tích cực khi cổ phiếu tăng giá. Điều này càng khiến một số nhà đầu tư nảy sinh tâm lý muốn “đua lệnh” dù thị giá cổ phiếu đã cao chót vót, vượt xa giá trị thực.

Đâu chỉ chứng khoán, Fomo còn bắt gặp ở nhiều thị trường tài chính khác, trong đó có cả thị trường tiền mã hoá.

Có nên Fomo sau phiên FTD?

FTD là viết tắt của "Follow-Through Day". Phiên FTD xuất hiện sau một giai đoạn điều chỉnh hoặc suy giảm mạnh của thị trường, và được coi là tín hiệu cho thấy khả năng thị trường có thể bắt đầu một xu hướng tăng mới.

Thông thường, sau các phiên FTD sẽ có hai kịch bản chính:

1. Xu hướng tăng tiếp tục: Nếu xu hướng tăng được duy trì, các chỉ số tiếp tục tăng điểm trong những ngày hoặc tuần tiếp theo, điều này sẽ củng cố, phần nào là xác nhận xu hướng tăng giá của thị trường sau phiên FTD. 

2. Bẫy tăng giá (bull trap): Không phải mọi phiên FTD đều dẫn đến xu hướng tăng bền vững. Đôi khi, đó có thể là một bẫy tăng giá (bull trap), khi thị trường chỉ tăng tạm thời trước khi quay lại xu hướng giảm.

Do đó, các nhà đầu tư cần kết hợp phiên FTD với các yếu tố khác như chỉ báo kỹ thuật và tình hình kinh tế vĩ mô để đưa ra quyết định đầu tư chính xác; tránh để cảm xúc chi phối và Fomo theo đám đông, từ đó dẫn đến thua lỗ. 

Cách để không Fomo?

Không có giải pháp nào căn cơ hơn việc tự tìm hiểu và tích luỹ kiến thức về thị trường chứng khoán và phân tích tài chính doanh nghiệp. Bạn có thể theo dõi Cẩm nang đầu tư trên DFF.VN để tích luỹ nhiều kiến thức hơn nhé!

Biết rõ “nơi” mình đang bỏ tiền đầu tư

Những “tượng đài” đầu tư như Warren Buffett hay Peter Lynch không bao giờ xuống tiền mà không nghiên cứu kỹ. 

Khi hiểu rõ doanh nghiệp và thị trường, bạn sẽ tránh được việc mua đỉnh - bán đáy; đánh giá được các thông tin đang lan truyền, hạn chế được việc xuống tiền vào các cổ phiếu “rác”.

Cổ phiếu có triển vọng tốt, ban lãnh đạo có tầm nhìn và minh bạch, vẫn có thể tăng giá dài hạn – chỉ cần bạn đủ kiên nhẫn.

Fomo là gì? Fomo trong chứng khoán có đáng sợ?

Có chiến lược đầu tư rõ ràng

Phần lớn nhà đầu tư bị ảnh hướng bởi hiệu ứng Fomo khi đưa ra quyết định mua và bán hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường. Họ mua mạnh khi giá cổ phiếu tăng mạnh. Lo lắng khi giá cổ phiếu giảm. Và hoảng loạn bán tháo khi giá cổ phiếu giảm sâu.

Vì vậy, hãy xây dựng cho mình một chiến lược đầu tư và tuân thủ các nguyên tắc đề ra, chẳng hạn như:

- Đầu tư giá trị: Chọn cổ phiếu có doanh thu, lợi nhuận, cổ tức đều đặn, tăng trưởng tốt. Mua cổ phiếu khi giá giảm, kiên nhẫn nắm giữ và đợi tăng giá.

- Đầu tư tăng trưởng: Chọn cổ phiếu có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều hàng năm, hàng quý và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới. Mua cổ phiếu khi giá đang tăng và bán theo đà tăng trưởng, thường là mua ở bất cứ giá nào và bán ở giá cao hơn.

Có nguyên tắc cắt lỗ

Đề ra mức cắt lỗ và tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ khi giá cổ phiếu giảm sâu. Việc cắt lỗ sớm có thể giúp nhà đầu tư bảo toàn một phần vốn. Sau đó tìm kiếm được các cơ hội mới tích cực hơn.

Trên thực tế, thị trường chứng khoán vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro cho nhà đầu tư. Vì vậy kể cả khi lựa chọn chiến lược đầu tư giá trị hay đầu tư tăng trưởng, nhà đầu tư vẫn phải có quy tắc cắt lỗ khi cần thiết để bảo toàn vốn. Đừng để “lỗ kép”, bạn nhé!

Kiềm chế cảm xúc

Tỷ phú Warren Buffett từng nói: “Cảm xúc là kẻ thù của lý trí”. Vì thế, trước khi đưa ra một quyết định nào đó, hãy dành thêm thời gian để xem xét liệu quyết định đó có bị chi phối bởi yếu tố cảm xúc hay không.

Fomo có thực sự đáng sợ?

Con người thường lo sợ những thứ mình chưa biết, chưa nắm rõ. Những nhà đầu tư thông minh không chạy theo đám đông. Thay vào đó, họ quan sát, hiểu tâm lý thị trường và lợi dụng sự hưng phấn hoặc hoảng loạn của đám đông để mua thấp, bán cao. Đầu tư là cuộc chơi cần cái đầu lạnh, đôi khi nhàm chán và tẻ nhạt. 

Sau cùng, đừng để Fomo điều khiển, hãy biến nó thành công cụ của bạn!./.

Chia sẻ
Báo cáo
Hương Ly Người dùng
Vĩ mô Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên