Việc Fed hạ lãi suất sẽ “giải phóng không gian” cho các quan chức từ Jakarta đến Seoul và Mumbai có thể thực hiện chu kỳ nới lỏng tiền tệ. Theo đó, dòng vốn sẽ đổ mạnh vào các thị trường mới nổi châu Á, giúp các đồng tiền khu vực lấy lại sức mạnh.
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ đơn giản là "cắt giảm theo Fed". Mỗi quốc gia trong khu vực đang phải giải một bài toán chính sách khác nhau.
Ấn Độ và Philippines đang phải cân nhắc giữa việc kích thích tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, Hàn Quốc và Đài Loan lại đang đau đầu với vấn đề ổn định tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất trong tuần này.
Tại New Zealand - nơi nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ suy thoái lần thứ ba trong hai năm - đang được kỳ vọng mức giảm lãi suất lên tới 0,5%.
Ngược lại, tại Ấn Độ và Philippines, các nhà phân tích chỉ dự báo một đợt cắt giảm nhẹ 25 điểm cơ bản trong quý 4.
"Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đang nóng lòng chờ đợi cơ hội bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ", ông Brian Tan, nhà kinh tế khu vực cấp cao tại Barclays Plc, cho hay.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng, các quốc gia châu Á - dựa trên tình hình kinh tế của họ - sẽ không cần phải lao vào cuộc đua nới lỏng tiền tệ ngay lập tức./.
Nguồn tham khảo: Bloomberg