Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, tính toán lại hướng tuyến, các ga tốc độ thiết kế của dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đảm bảo hướng tuyến thẳng và ngắn nhất có thể.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị trình dự án.
"Trong tháng 1/2025 phải trình Chính phủ để trong tháng 2/2025 trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án và các cơ chế, chính sách đặc thù, chậm nhất trong 12/2025 phải khởi công tuyến đường sắt này", Thủ tướng chỉ đạo.
Theo Thủ tướng, việc xây dựng, triển khai dự án cần nghiên cứu đa dạng hóa nguồn vốn, gồm vốn đầu tư công, nguồn phát hành trái phiếu, vốn vay, có thể kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư khai thác các ga, phát triển đô thị dựa trên giao thông công cộng (TOD).
Thủ tướng yêu cầu tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, giao các địa phương làm; tăng cường nhân lực chuyên trách để chuẩn bị, xây dựng dự án do một Thứ trưởng Giao thông vận tải phụ trách.
Thủ tướng lưu ý khi nghiên cứu phải có tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn, quá trình làm thủ tục phải tranh thủ thời gian, "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm".
Tỉnh Lào Cai được giao nghiên cứu đầu tư xây dựng khu thương mại tự do để phát huy, khai thác lợi thế của sông Hồng... chảy qua địa bàn tỉnh.
Theo quy hoạch, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài 417 km, đi qua 9 tỉnh thành (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng); kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc; đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.
Đây là tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm. Bộ Giao thông Vận tải đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến 11 tỷ USD./.