Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Đóng góp của khu vực tư nhân cho GDP của Việt Nam (#2)

16:15 15/02/2025

Có vẻ như status của tôi hôm 12/2/2025 vẫn chưa giải đáp được một cách tường minh về tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP của Việt Nam. Trong status này, để rõ ràng hơn, tôi sẽ dùng số liệu của một số năm cụ thể để trả lời câu hỏi này.

Có vẻ như status của tôi hôm 12/2/2025 vẫn chưa giải đáp được một cách tường minh về tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP của Việt Nam. Trong status này, để rõ ràng hơn, tôi sẽ dùng số liệu của một số năm cụ thể để trả lời câu hỏi này.

Cần nhắc lại rằng, tôi tin là không ai biết chính xác mức đóng góp thực tế của khu vực tư nhân cho GDP của Việt Nam. Vì vậy, giống như status trước, các phân tích dưới đây chỉ nói về chỉ tiêu này NHƯ NÓ ĐƯỢC GHI NHẬN trong các niên giám thống kê (NGTK) của Tổng cục Thống kê.

Bảng 88 của NGTK 2023 (xem file ảnh đính kèm) cho biết cơ cấu GDP theo loại hình kinh tế, bao gồm (1) Kinh tế nhà nước, (2) Kinh tế ngoài nhà nước; và (3) Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong bốn năm từ 2019 đến 2022.

Từ Bảng 88 này, liệu có thể trả lời chính xác câu hỏi [1] “tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP của Việt Nam là bao nhiêu” hay không?

Câu trả lời là KHÔNG, đơn giản là vì “Kinh tế ngoài nhà nước” = “Kinh tế tư nhân (chính thức)” + "Kinh tế (tư nhân) cá thể" + “Kinh tế tập thể”, mà các loại hình kinh tế này lại không được thống kê riêng biệt từ năm 2021 như tôi trình bày trong status trước.

Từ Bảng 88 này, liệu có thể trả lời chính xác câu hỏi [2] “tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân CHÍNH THỨC (hay khu vực doanh nghiệp tư nhân) trong GDP của Việt Nam là bao nhiêu” hay không?

Câu trả lời cũng là KHÔNG, đơn giản là vì, một lần lữa, “Kinh tế tư nhân (chính thức)” và “Kinh tế cá thể” không được thống kê riêng biệt từ năm 2021.

Tóm lại, với cách phân loại thống kê hiện nay, KHÔNG có căn cứ để trả lời chính xác câu hỏi [1] và [2].

Tuy nhiên, để hình dung đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân nói chung hay khu vực tư nhân chính thức nói riêng trong GDP của Việt Nam, có thể tham khảo số liệu từ NGTK 2020 trở về trước, trong đó “Kinh tế tư nhân (chính thức)”, “Kinh tế cá thể”, và “Kinh tế tập thể” được thống kê riêng biệt.

Cụ thể là, Bảng 73 trong NGTK 2020 cho biết, trong năm 2019, tỷ trọng đóng góp trong GDP của “Kinh tế ngoài nhà nước” là 42,68% = “Kinh tế tập thể” (3,63%) + “Kinh tế tư nhân (chính thức)” (9,68%) + “Kinh tế cá thể” (29,37%).

Như vậy, để trả lời câu hỏi [1] cho năm 2019, tỷ trọng của “Khu vực kinh tế tư nhân” trong GDP = tỷ trọng “Kinh tế tư nhân (chính thức)” (9,68%) + “Kinh tế cá thể” (29,37%) = 39,05%. Tính tương tự cho các năm khác, tỷ lệ đóng góp của “Khu vực kinh tế tư nhân” ở Việt Nam trong giai đoạn 2015 – 2020 ổn định ở mức dưới 40%.

Về câu hỏi [2] cho năm 2019, tỷ trọng của “Khu vực kinh tế tư nhân CHÍNH THỨC” trong GDP là 9,68%. Bảng 73 cũng cho thấy, trong giai đoạn 2015 – 2020, tỷ trọng của “Khu vực kinh tế tư nhân CHÍNH THỨC” trong GDP ổn định ở mức dưới 10% và chỉ xấp xỉ 1/3 so với đóng góp của “Kinh tế cá thể”.

Như vậy, nếu dựa vào số liệu NGTK thì trong các loại hình kinh tế, chính “kinh tế cá thể” chứ KHÔNG phải “kinh tế nhà nước”, “doanh nghiệp tư nhân”, hay “khu vực FDI” mới là khu vực đóng góp nhiều nhất cho GDP của Việt Nam.

Những số liệu này cùng với thực tế là cơ cấu GDP thường không thay đổi đột biến là lý do tôi viết trong status trước rằng “những con số này phản ảnh thực trạng yếu ớt của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam – mà lẽ ra, như trong các nền kinh tế hiện đại, đây phải là khu vực năng động và đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế quốc gia.”

Ghi chú:

1. Do “kinh tế tư nhân” được dùng với các nội hàm khác nhau nên để tránh hiểu nhầm, trong status này, tôi dùng “khu vực kinh tế tư nhân” = “kinh tế tư nhân chính thức” + “kinh tế cá thể”.

2. Trong status này, “kinh tế tư nhân chính thức” chỉ bao gồm các doanh nghiệp tư nhân trong nước được đăng ký chính thức tại Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh – thành phố trực thuộc trung ương.

3. Từ ghi chú 1 và 2, có thể viết: “khu vực kinh tế tư nhân” = “khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước” + “kinh tế cá thể”.

4. Status này chỉ thảo luận về đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong nước ở nước ta. Để thảo luận về đóng góp NÓI CHUNG của khu vực kinh tế tư nhân, cần phải đánh giá tổng quan hơn, không chỉ GDP mà còn bao gồm đóng góp cho tạo công ăn việc làm, giá trị sản xuất công nghiệp, đầu tư, ngân sách v.v.

Cre: TS. Vũ Thành Tự Anh - Giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam