Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Doanh nghiệp xi măng liên tục báo lỗ, nhiều "ông lớn" vào diện thanh tra

19:00 09/07/2024

Các doanh nghiệp lớn trong ngành xi măng như Bỉm Sơn, Bút Sơn, Tam Điệp... đang phải đối mặt với sự giảm doanh thu. Đáng chú ý, một số công ty thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đã báo lỗ từ năm trước cho đến quý I năm nay.

Cụ thể, kết thúc quý I/2024, CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS) ghi nhận doanh thu thuần kỳ này đạt gần 515 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Sau trừ chi phí, BTS báo lỗ sau thuế 55,48 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần mức lỗ cùng kỳ và là doanh nghiệp lỗ nặng nhất, đánh đấu quý lỗ thứ 6 liên tiếp.

Kết quả kinh doanh đi xuống của BTS góp phần vào bức tranh ảm đạm chung của công ty mẹ Tổng công ty Xi măng Việt Nam - VICEM trên báo cáo hợp nhất.

Không chỉ riêng Vicem Bút Sơn, một số các công ty con cổ phần khác của Vicem cũng rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ.

Chẳng hạn, trong quý I/2024, công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1) tiếp tục lỗ 25 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 86 tỷ đồng. Không khá hơn, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) lỗ ròng gần 49 tỷ đồng, nối dài chuỗi thua lỗ lên con số 7 quý liên tiếp của doanh nghiệp (từ quý III/2022).

Ngoài ra, trong quý I/2024, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai lỗ 5,3 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân lỗ 20 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI lỗ 6,3 tỷ đồng…

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính vừa ký ban hành quyết định thanh tra, nhằm làm rõ các vấn đề quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp; hạch toán doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh tại VICEM và một số công ty con.  

Theo dự báo, khó khăn dự kiến vẫn còn tiếp tục đeo bám ngành xi măng, như lĩnh vực xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục gặp khó, bởi thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc cũng bị dư thừa và dự báo sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi...

Thị trường nội địa ảm đạm, tiêu thụ chỉ quanh 60 triệu tấn/năm, trong khi khả năng sản xuất thực tế có thể lên tới 130 triệu tấn, nếu không xuất khẩu được, nguy cơ phá sản tăng. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu tăng, có thể thiếu xi măng như giai đoạn trước năm 2010.