Trong số này, FPT và NTP là hai cái tên nổi bật hơn cả. FPT là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, còn NTP là một trong 2 doanh nghiệp nhựa lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Tính đến cuối năm 2023, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu 5,75% vốn CTCP FPT (Mã CK: FPT), tương đương 73 triệu cổ phiếu.
Hiện, cổ phiếu FPT đang giao dịch ở vùng giá đỉnh lịch sử, chốt phiên 17/5 ở mức 134.500 đồng/cp, tăng 23% trong chưa đầy 1 tháng. Tạm tính theo mức giá này, lô cổ phần FPT mà SCIC nắm giữ có giá trị thị trường hơn 9.800 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, SCIC còn sở hữu 37,1% vốn CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (Mã CK: NTP), tương đương 48 triệu cổ phiếu. Với thị giá 42.800 đồng/cp, lô cổ phần này có giá trị thị trường hơn 2.000 tỷ đồng.
Danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 của SCIC còn một số cái tên đáng chú ý khác như: Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam – CTCP (Mã CK: VGV), CTCP Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư giao thông vận tải (giá vốn 231 tỷ đồng), CTCP Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên (giá vốn 139 tỷ đồng).
Trong đó, SCIC đang nắm giữ 31,2 triệu cổ phiếu VGV, chiếm tỷ lệ 87,3% vốn điều lệ. Tạm tính theo giá cổ phiếu VGV chốt phiên 17/5 ở mức 30.000 đồng/cp, SCIC có thể thu về hơn 930 tỷ đồng.
Năm nay, SCIC được giao chỉ tiêu tổng doanh thu 8.886 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.511 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2023, SCIC báo lãi sau thuế 5.265,6 tỷ đồng, tăng 88% so với năm 2022. Nguồn thu chủ yếu đến từ cổ tức, lợi nhuận được chia và lãi tiền gửi, lãi đầu tư trái phiếu, trong khi hoạt động bán vốn chỉ đem về 165,8 tỷ đồng, giảm 92% so với năm 2022./.