Hồ Phong 22 giờ trước
Người theo dõi

Đề xuất làm cao tốc Quy Nhơn - Pleiku 36.000 tỷ đồng bằng vốn đầu tư công

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn số 14038/BGTVT – KHĐT gửi Chính phủ về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét chấp thuận chuyển nghiên cứu đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo phương thức PPP sang nghiên cứu đầu tư theo hình thức đầu tư công; đồng thời giao bộ này là cơ quan chủ quản, phối hợp với UBND các tỉnh Gia Lai và Bình Định tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Dự kiến, đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ được chuẩn bị đầu tư từ năm 2025, thực hiện đầu tư và hoàn thành, khai thác trong giai đoạn 2026-2030.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, tuyến cao tốc này có điểm đầu tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại nút giao đường Hồ Chí Minh, thuộc TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Chiều dài toàn tuyến khoảng 123 km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Định dài khoảng 37,4 km, đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 85,6 km.

Tuyến đường thuộc phạm vi dự án được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Riêng các đoạn qua khu vực hầm An Khê và hầm Mang Yang có địa hình khó khăn nghiên cứu quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Theo kết quả rà soát, cập nhật đến nay của UBND 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 36.594 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.733 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị khoảng 26.833 tỷ đồng.

Trước đó, theo báo cáo của UBND các tỉnh Gia Lai và Bình Định vào tháng 5/2024, kết quả nghiên cứu, tính toán sơ bộ phương án tài chính dự án cho thấy, với kịch bản mức vốn hỗ trợ của nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư theo quy định của Luật PPP, Dự án không đảm bảo hiệu quả về tài chính theo quy định.

Trường hợp để Dự án hiệu quả về tài chính và thời gian thu hồi vốn với các kịch bản khoảng 25 năm, 18 năm và 10 năm, mức vốn hỗ trợ của nhà nước cần tham gia hỗ trợ dự án chiếm tỷ lệ từ 76% đến 88% tổng mức đầu tư. Vì vậy, việc đầu tư theo phương thức PPP không hiệu quả, khó khả thi./.

Nguồn tham khảo: Tài chính và Cuộc sống

Chia sẻ
Báo cáo
Hồ Phong Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên