Theo đó, trình bày Tờ trình tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, vốn bổ sung cho VCB là 20.695 tỷ đồng, dự kiến lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lãi còn lại năm 2021 của ngân hàng.
Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB là phù hợp với chủ trương được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt cùng chiến lược phát triển và đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB sẽ đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định; giúp ngân hàng có tiềm lực để thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế.
Ngoài ra, đề xuất trên cũng giúp VCB có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, NHNN giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế.
Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng đề xuất tăng vốn cho ngân hàng này bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần lấy ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài Ngân hàng Mizuho Corporate Bank - đơn vị nắm 15% vốn điều lệ của VCB. Việc này nhằm thuận lợi trong quá trình tăng vốn.
"Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động việc bổ sung vốn Nhà nước cho Vietcombank tới phát triển của ngành ngân hàng, hiệu quả kinh tế xã hội", ông Thanh nói.
Hiện, Vietcombank có quy mô vốn điều lệ đạt 55.980 tỷ đồng, trong đó, NHNN nắm 4,18 tỷ cổ phiếu, chiếm tỷ lệ sở hữu 74,8% vốn điều lệ./.