Bộ Tài chính đề xuất áp dụng phương thức đánh thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và bán bất động sản theo từng lần chuyển nhượng.
Đề xuất này được nêu trong hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến.
Theo đó, cơ quan này đề xuất thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng bất động sản của cá nhân được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20% theo từng lần chuyển nhượng.
Thu nhập tính thuế được xác định bằng giá bán trừ đi giá mua và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
Trong trường hợp không xác định được giá mua và các chi phí liên quan, thuế sẽ được tính trực tiếp trên giá bán, với mức thuế suất phân theo thời gian sở hữu bất động sản, cụ thể:
👉 Dưới 2 năm: 10%
👉 Từ 2 đến dưới 5 năm: 6%
👉 Từ 5 đến dưới 10 năm: 4%
👉 Từ 10 năm trở lên: 2% (giữ nguyên như quy định hiện hành)
Thời gian sở hữu được tính từ thời điểm cá nhân được cấp quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bất động sản (tính từ khi Luật có hiệu lực) đến thời điểm chuyển nhượng.

Đối với bất động sản có nguồn gốc từ thừa kế, việc chuyển nhượng sẽ tiếp tục áp dụng thuế suất 2% như hiện hành, không phụ thuộc vào thời gian nắm giữ. Điều này phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, coi thừa kế là việc chuyển giao tài sản của người đã mất cho người còn sống, khác với trường hợp cho hoặc tặng tài sản.
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là lúc hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực hoặc thời điểm đăng ký quyền sở hữu, sử dụng bất động sản.
Theo Bộ Tài chính, một số quốc gia đã sử dụng các công cụ thuế thu nhập cá nhân để tăng chi phí và giảm sức hấp dẫn của hành vi đầu cơ bất động sản trong nền kinh tế. Một số nước còn áp dụng thuế với lợi nhuận từ giao dịch bất động sản phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua bán lại bất động sản.
Trước đó, dẫn lại số liệu từ báo cáo "Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024, nhìn ra thế giới" của Batdongsan.com.vn, Tuổi trẻ cho biết, trong năm 2023, có tới 86% người mua bất động sản đã bán lại tài sản chỉ sau chưa đầy một năm nắm giữ.
Cụ thể, có 15% người mua nắm giữ bất động sản dưới 3 tháng, 36% nắm giữ từ 3-6 tháng, 35% nắm giữ từ 6-12 tháng, 8% nắm giữ 1-2 năm, 4% nắm giữ 2-3 năm, 2% nắm giữ lâu hơn.
Trong khi tại châu Âu, thời gian nắm giữ bất động sản trước khi bán như sau: 7% người mua nắm giữ bất động sản từ 1-3 năm, 23% nắm giữ 3-5 năm, 33% nắm giữ 5-10 năm, 38% nắm giữ trên 10 năm.
"Nguyên nhân một phần được chỉ ra do thuế thu nhập với hoạt động chuyển nhượng, cho thuê bất động sản của nước ta quá thấp", tờ này cho hay./.