
Đầu tư công là gì?
Theo Khoản 15 Điều 4 Luật Đầu tư công 2019 thì đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định.
- Hoạt động đầu tư công bao gồm lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch, dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nghiệm thu, bàn giao chương trình, quyết toán dự án đầu tư công; theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.
Đặc điểm của đầu tư công
- Đây là hoạt động đầu tư và được thực hiện bởi Nhà nước. Nhà nước quyết định từ các chủ trương, kế hoạch, phê duyệt đến việc ra quyết định đầu tư, tổ chức và quản lý đầu tư. Việc thực hiện dự án đầu tư được thực hiện thông qua cơ chế đấu thầu, nhà thầu.
- Các dự án đầu tư có thể là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp khu vực tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Nguồn vốn để đầu tư cho các hoạt động đầu tư công là từ Nhà nước (bao gồm có: ngân sách nhà nước, nguồn gốc vốn từ ngân sách; khoản tín dụng đầu tư của Nhà nước; khoản vay nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương…). Hoạt động đầu tư công bị chi phối bởi chính sách nguồn vốn là chủ yếu.
Các loại đầu tư công hiện nay
1. Dựa theo tiêu chí nguồn vốn
Đầu tư công gồm có các hoạt động đầu tư, hỗ trợ đầu tư có sử dụng vốn nhà nước vào những công trình, dự án để phát triển kinh tế xã hội. Vốn nhà nước trong đầu tư công gồm có vốn ngân sách nhà nước chi cho đầu tư theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; vốn huy động được từ trái phiếu Chính phủ, chính quyền địa phương, công trái của quốc gia; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn tín dụng được Nhà nước bảo lãnh và vốn đầu tư doanh nghiệp nhà nước.
Theo tiêu chí này đầu tư công được chia thành thành 5 loại:
- Đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước (gồm có cả vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước)
- Đầu tư công sử dụng vốn từ nguồn gốc ngân sách
- Đầu tư công sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA)
- Đầu tư công sử dụng nguồn vốn vay có sự bảo lãnh của Chính phủ và chính quyền địa phương.
- Đầu tư công sử dụng vốn hỗn hợp
2. Dựa theo tính chất của dự án
Dựa vào tính chất của dự án đầu tư công được chia thành 02 loại:
- Đầu tư công theo dự án có xây dựng công trình
- Đầu tư công theo dự án không có xây dựng công trình.
3. Dựa theo mục tiêu và phạm vi đầu tư
Dựa vào mục tiêu và phạm vi đầu tư, đầu tư công được chia thành 02 loại:
- Đầu tư công vào những hoạt động không có khả năng hoàn vốn. Đây là loại hình đầu tư vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, hình thành cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội nhằm hỗ trợ, phát triển, kích thích thu hút những nguồn vốn khác.
- Đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận như: đầu tư các dự án và thành lập doanh nghiệp Nhà nước thực hiện dự án đầu tư công; đầu tư vào các chương trình, dự án với mục đích kinh doanh; đầu tư qua các tổ chức kinh tế do Nhà nước lập ra.
Vai trò của đầu tư công
Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể:
- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Đầu tư công tạo ra các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Nâng cao đời sống nhân dân: Đầu tư công vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
- Bảo đảm an ninh, quốc phòng: Đầu tư công vào các lĩnh vực quốc phòng, an ninh góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Đừng quên theo dõi Cẩm nang nhà đất trên DFF.VN để cập nhật nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé!