Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Dấu ấn TVS tại Chứng khoán Vina (VNSC)

16:33 08/05/2024

Năm 2022, MoMo và Finhay – các fintech có sự hậu thuẫn của Chứng khoán Thiên Việt – lần lượt thâu tóm Chứng khoán CV (CVS) và Chứng khoán Vina (VNSC). So với CVS, VNSC trội hơn về tổng tài sản và bắt đầu biết sinh lời.

Ông Na Sungsoo – Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Vina (VNSC) – mới đây đã có quyết định liên quan đến mua trái phiếu từ đối tác là CTCP Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM). Theo đó, giá trị giao dịch tối đa ở mỗi lần mua là 55 tỷ đồng.

TVAM thuộc CTCP Chứng khoán Thiên Việt (Mã CK: TVS) – một trong những cổ đông của CTCP Finhay. Năm 2022, CTCP Finay Việt Nam (Finhay) – thông qua công ty con là Công ty TNHH Dịch vụ và Phân phối Finhay Việt Nam – đã thâu tóm hơn 90% cổ phần và trở thành công ty mẹ của VNSC.

Hồi tháng 9/2023, Finhay đã ủy quyền cho TVAM đại diện thực hiện giao dịch nhận chuyển quyền sở hữu tiền gửi có kỳ hạn của VNSC tại VPBank. Giá trị giao dịch của thương vụ này là 51,9 tỷ đồng, tương đương 17,3% tổng tài sản theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên gần nhất của VNSC.

TVS đầu tư vào Finhay từ năm 2019, ban đầu ghi nhận giá vốn ở mức 8 tỷ đồng. Theo thời gian, giá trị của khoản đầu tư này tăng dần. Cập nhật tới cuối quý I/2024, TVS ghi nhận giá gốc của khoản đầu tư vào CTCP Finay ở mức 126,8 tỷ đồng, cao gấp 15,8 lần so với hồi cuối năm 2019.

Đã mạnh tay rót vốn như vậy, tham vọng của giới chủ TVS tại Finhay có lẽ không chỉ dừng lại ở việc đa dạng hóa dịch vụ tài chính, mà xa hơn, là tiềm năng từ tệp khách hàng 2 triệu người sử dụng của ‘startup’ công nghệ tài chính (fintech) đang lên này.

Hồi tháng 11/2021, TVS và Finhay đã cho ra mắt nền tảng giao dịch chứng khoán mới, trong đó cho phép người dùng có thể mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại TVS và thực hiện mua/bán chứng khoán trên HOSE và HNX (bao gồm UPCOM) thông qua ứng dụng Finhay.

Bên cạnh Finhay, TVS cũng sớm đầu tư vào một fintech đình đám tại Việt Nam, cụ thể là CTCP Dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service) – chủ sở hữu ví điện tử MoMo. Nhiều năm qua, giá trị sổ sách của khoản đầu tư này vẫn được TVS giữ nguyên ở mức 27,8 tỷ đồng.

Giá trị thị trường của khoản đầu tư này có thể lớn gấp nhiều lần con số vừa nêu, bởi MoMo đang là một trong những “siêu ứng dụng” thanh toán hàng đầu Việt Nam, được cho là có khoảng 31 triệu người dùng.

Biết rằng, sau nhiều năm phát triển, cập nhật tới cuối tháng 4 vừa rồi, thị trường chứng khoán Việt Nam mới có 7,7 triệu tài khoản, tương đương khoảng 7,7% dân số.

Tương tự Finhay, năm 2022, MoMo đã hoàn tất thâu tóm 49% cổ phần của CTCP Chứng khoán CV (CVS). Song, “tiếng nói” của nhóm này có lẽ không chỉ dừng lại ở con số vừa nêu. Ông Lê Hùng Cường – một cổ đông chủ chốt khác của CVS, nắm giữ 17% cổ phần – đang là người đại diện cho văn phòng đại diện của MoMo tại Đà Nẵng.

CVS và VNSC làm ăn ra sao?

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của VNSC đạt 297,6 tỷ đồng, trong khi tiêu chí này ở CVS chỉ đạt 60,7 tỷ đồng. Cả hai công ty chứng khoán đều báo lỗ trong quý đầu năm nay, lần lượt ở mức âm 6,3 tỷ đồng (CVS) và âm 5,9 tỷ đồng (VNSC).

Trước đó, trong giai đoạn 2022 – 2023, CVS đều báo lỗ, lần lượt ở mức 1,2 tỷ đồng và 13 tỷ đồng. Trong khi, VNSC báo lãi lần lượt ở mức 2,9 tỷ đồng và 2,5 tỷ đồng./.