Đất quy hoạch là đất gì? Những lưu ý khi mua đất quy hoạch
20:58 30/10/2024
Đất quy hoạch có thể là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư bất động sản, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ. Việc nắm rõ những thông tin đất quy hoạch giúp người mua hiểu rõ về giá trị và tiềm năng sử dụng của mảnh đất, đồng thời tránh rủi ro trong giao dịch. Vậy đất quy hoạch là gì và cần những lưu ý những điều gì khi đầu tư loại hình bất động sản này? Hãy cùng DFF.VN tìm hiều qua bài viết dưới đây.
Đất quy hoạch là đất gì?
Pháp luật hiện hành không có khái niệm cụ thể về đất quy hoạch, tuy nhiên chiếu theo quy định tại Điều 3 Luật Đất đai 2024, có thể hiểu đất quy hoạch là những thửa đất nằm trong phạm vi ranh giới quy hoạch của các dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
Phân loại đất quy hoạch
Có hai loại đất dính quy hoạch phổ biến:
- Đất đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500: Loại đất này đã được xác định cụ thể về mục đích sử dụng, vị trí, diện tích,... và sẽ được thu hồi để thực hiện dự án.
- Đất đã được phê duyệt quy hoạch chung: Loại đất này chỉ xác định định hướng phát triển chung của khu vực, chưa được xác định cụ thể về mục đích sử dụng, vị trí, diện tích,... Việc thu hồi đất để thực hiện dự án sẽ được thực hiện sau khi có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt.
Làm thế nào để kiểm tra một mảnh đất có thuộc quy hoạch hay không?
Nhà đầu tư có thể kiểm tra tình trạng quy hoạch của đất, bao gồm:
Kiểm tra thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền (sổ hồng): Thông thường, các thông tin quy hoạch đất sẽ được ghi rõ trong phần ghi chú của sổ đỏ. Người mua cần xem xét đất đang trong quy hoạch loại gì để đưa ra quyết định mua bán phù hợp.
Liên hệ với các công ty, dịch vụ bất động sản địa phương để kiểm tra: Các công ty này thường có thông tin chi tiết về quy hoạch đất và có thể cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác.
Liên hệ với cơ quan chức năng tại địa phương để có nguồn thông tin chính xác nhất: Phòng Tài nguyên Môi trường là địa điểm bạn có thể tra cứu bản đồ quy hoạch và biết đất đang hoặc sẽ nằm trong quy hoạch đất ở hay các loại quy hoạch khác. Mặc dù cách này đảm bảo độ chính xác và an toàn cao nhất, nhưng có thể tốn nhiều thời gian và công sức tùy thuộc vào điều kiện địa phương.
Sử dụng công cụ tra cứu thông tin trực tuyến: Một số đơn vị hành chính lớn đã cung cấp các ứng dụng tra cứu thông tin quy hoạch đất ở trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Tuy nhiên, cách này không phù hợp cho tất cả các khu vực do sự phổ biến của công cụ tra cứu trực tuyến vẫn còn hạn chế ở một số địa phương.
Những lưu ý khi mua phải đất quy hoạch
Có thể không thu hồi
Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định về thực hiện quy hoạch, chỉ khi nào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện có quy định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất thì khi đó mới thu hồi đất (nhiều trường hợp có quy hoạch nhưng không thực hiện thì có thể sẽ điều chỉnh và không thu hồi đất).
Nói cách khác, ngay cả khi đất thuộc quy hoạch sử dụng đất nhưng không phải khi nào cũng bị Nhà nước thu hồi.
Vẫn có những quyền quan trọng dù đất thuộc quy hoạch
Mặc dù đất thuộc quy hoạch nhưng người sử dụng đất vẫn có thể có một số quyền quan trọng như sau:
- Được đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn
Căn cứ khoản 33 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, sau 03 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhưng chưa có quyết định thu hồi (quy hoạch treo) thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.
- Có thể được chuyển nhượng, tặng cho.
- Được bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất.
Có thể lấy lại cọc khi phát hiện đất thuộc quy hoạch
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người đặt cọc có thể áp dụng quy định được thỏa thuận trong hợp đồng hoặc căn cứ quy định của pháp luật để lấy lại tiền đặt cọc, cụ thể:
- Khi hợp đồng có thỏa thuận.
- Khi bên nhận đặt cọc, bên chuyển nhượng lừa dối./.
Đừng quên theo dõi Cẩm nang nhà đất trên DFF.VN để cập nhật nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé!