Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Đại sóng cổ phiếu dược: Bất ngờ chưa? Thị giá mã này vẫn thua xa sổ sách, định giá thấp nhất ngành

17:46 16/07/2024

Đu sóng dược phẩm, cổ phiếu MKP của Mekophar tăng 11% sau 2 phiên giao dịch, nhưng định giá mã này vẫn ở mức thấp, với giá thị trường trên giá trị sổ sách (P/B) chỉ là 0,6 lần.

Trong phiên giao dịch hôm nay (16/7), cổ phiếu ngành dược bất ngờ "nổi sóng", dẫn đầu là IMP của Imexpharm với mức tăng 6,99% lên 93.400 đồng/cp. Hàng loạt cổ phiếu dược phẩm khác cũng kết phiên trong sắc tím như DHG, DP1, DBD, DCL, DVN, PBC…

Xét trong giai đoạn dài hơn, cổ phiếu IMP đã tăng tới hơn 37% chỉ trong 7 phiên giao dịch. Các cổ phiếu khác cũng ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ kể từ đầu tháng 7/2024 như DHG tăng 8%, DBD tăng 13%, DVN tăng 22,5%.

Đu sóng, cổ phiếu MKP của CTCP Hóa – Dược phẩm Mekophar (Mekophar) cũng ghi nhận mức tăng 11,2% chỉ sau 2 phiên giao dịch, từ 30.100 đồng lên 33.500 đồng/cp. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Vietcap, định giá của MKP vẫn ở mức thấp, với giá thị trường trên giá trị sổ sách (P/B) là 0,6 lần.

So với các doanh nghiệp cùng ngành, MKP là công ty dược phẩm hiếm hoi trên thị trường có P/B dưới 1x. Chỉ số này tại IMP hiện nay là 3,35 lần. Ở các công ty dược phẩm khác, hệ số P/E cũng dao động quanh mức 2-3 lần, chẳng hạn như: DP3 (3,19 lần), DHG (3,1 lần), AGP (2,8 lần), DBD (2,8 lần), TRA (2,6 lần), DP1 (2,5 lần), DVN (2,2 lần).

Tỷ lệ P/B trượt 12 tháng của MKP cũng đang thấp hơn 23,8% so với trung vị và thấp hơn tới 65% so với trung vị P/B trượt 12 tháng của VN-Index.

Diễn biến giá cổ phiếu MKP

Mekophar có gì?

Mekophar tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm Trung Ương 24, thành lập năm 1975, trực thuộc Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm – Mã CK: DVN).

Trải qua nhiều lần sáp nhập, liên doanh, tới tháng 2/2002, Mekophar chính thức được cổ phần hóa với vốn điều lệ 36 tỷ đồng. Đến nay, công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 255,2 tỷ đồng, trong đó Vinapharm góp 46,5 tỷ đồng, sở hữu 18,23% vốn điều lệ.

Ngoài ra, Mekophar còn một cổ đông chiến lược là Nipro Pharma Corporation, nắm 3,9 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 15,32%. Nhà đầu tư ngoại này rót vốn vào Mekophar từ tháng 10/2016 khi mua 3,55 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ với giá 47.000 đồng/cp.

Theo giới thiệu, Mekophar là một trong những doanh nghiệp dược đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, và là công ty dược duy nhất sản xuất nguyên liệu kháng sinh Bêtalactam cung cấp cho các công ty dược trong và ngoài nước.

Công ty này cũng là đơn vị xây dựng và vận hành MekoStem – ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn AABB; đồng thời cũng là một trong 3 công ty đầu tiên được cấp phép sản xuất thuốc điều trị Covid-19 hồi tháng 2/2022.

Ngoài sản xuất thuốc, Mekophar còn đầu tư vào lĩnh vực y tế khi sở hữu 18,34% vốn CTCP Bệnh viện Đa khoa Tư nhân An Sinh.

Trong quý I/2024, Mekophar ghi nhận doanh thu thuần đạt 245,3 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế 14,2 tỷ đồng, tăng gấp 3,1 lần so với quý I/2023.

Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Mekophar đạt 1.570,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty này không có nợ vay tài chính. Vốn chủ sở hữu của Mekophar đạt 1.275,1 tỷ đồng, cao gấp 5 lần quy mô vốn điều lệ./.