Cựu hiệu trưởng đại học Stanford: Fed đã bỏ lỡ “thời điểm vàng” để hạ lãi suất?

18:14 17/09/2024

“Thời điểm vàng” ấy là vào tháng 7, khi các chỉ số kinh tế vĩ mô của Mỹ vẫn “chưa quá tệ”, theo ông Jonathan Levin – cựu hiệu trưởng Đại học Standford và cũng là nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng lớn trong giới học thuật tại Mỹ.

Quan điểm trên được ông Levin chia sẻ trên tờ Bloomberg ngay trước thềm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố chính sách lãi suất sau cuộc họp tháng 9. Tại cuộc họp này, Fed được kỳ vọng sẽ bắt đầu hạ lãi suất, qua đó kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ.

Theo đó, các nhà hoạch định tại Fed cần nhanh nhạy hơn trước những diễn biến thị trường, tựa như bản năng của một nhà giao dịch thay vì cẩn trọng quá mức.

Fed đã bỏ lỡ một cơ hội vàng để hạ lãi suất vào tháng 7? (Ảnh: Bloomberg)

Cựu hiệu trưởng Đại học Standford cho rằng, do phản ứng chậm trước những thông số từ thị trường lao động suy yếu, Fed đang rơi vào tình thế lưỡng nan. Bởi lẽ, nếu để tình trạng này tiếp diễn càng lâu, nền kinh tế sẽ càng tiến gần hơn tới suy thoái.

Mặc dù, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 được đánh giá là “không quá tệ” - tăng 0,3% so với tháng trước, nhưng vượt quá dự báo trung bình, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ tháng 4.

CPI cao bất thường do chi phí nhà ở tăng phi mã - điều không lạ đối với những người thường xuyên theo dõi lạm phát. Thực tế, CPI chỉ tăng chưa đến 0,1% so với tháng trước, nếu loại trừ giá thực phẩm, năng lượng và nhà ở. 

“Việc hạ lãi suất 50 điểm cơ bản dường như là biện pháp “phòng ngừa” sớm cho kịch bản suy thoái”, ông Levin nêu quan điểm. Tuy nhiên, nhà kinh tế học này cũng cho rằng việc Fed hạ lãi suất không nhằm kích thích kinh tế mà chỉ là động thái “bình thường hoá” lãi suất.

“Theo ước tính của quan chức Fed, vùng lãi suất trung lập dài hạn nằm trong khoảng 3,75 - 4%. Do đó, mức lãi suất hiện tại 5,25 - 5,5%/năm được coi là quá cao so với mục tiêu trên”, nhà kinh tế học nhấn mạnh./.

Nguồn tham khảo: Bloomberg