Từ lâu, người ta đã quen với hình ảnh những thành phố phương Tây phồn hoa, nơi người dân tận hưởng đời sống sung túc với mức sống cao, phúc lợi xã hội hào phóng, và những bước tiến vượt bậc về công nghệ, y tế, giáo dục. Nơi con người có thể work life balance, rời công sở lúc 4h chiều để về nhà chơi với con cái, gia đình, mà vẫn có một cuộc sống đủ đầy.
Nhưng ít ai tự hỏi: tại sao một nhóm quốc gia – chiếm chưa đầy 15% dân số thế giới – lại có thể duy trì mức sống cao trong khi phần còn lại của nhân loại vẫn đang loay hoay trong bẫy thu nhập thấp và trung bình?
Câu trả lời, như nhiều nhà kinh tế hậu hiện đại đã chỉ ra, nằm ở việc tái cấu trúc dòng chảy giá trị thặng dư trong nền kinh tế toàn cầu hóa – nơi các nước phương Tây là trung tâm thu lợi, còn các quốc gia nghèo và đang phát triển là vành đai sản xuất, nơi mọi chi phí xã hội và môi trường bị đẩy ra ngoại vi.
Toàn cầu hóa: Cỗ máy tối ưu hóa lợi nhuận cho những nước giàu
Quay trở lại thời kỳ cách mạng công nghiệp thế kỷ 18, một công nhân Anh khi đối mặt với lương thấp và điều kiện làm việc tồi tệ vẫn có thể tạo ra áp lực chính trị: tổ chức đình công, tham gia công đoàn, bỏ phiếu cho những đảng phái tranh đấu cho quyền lợi người lao động. Và thực tế, đó là cách mà hệ thống phúc lợi xã hội phương Tây hình thành – từ mồ hôi, nước mắt và cả máu của các thế hệ công nhân.
Nhưng trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, lao động ở các quốc gia nghèo không hề có đặc quyền ấy. Họ làm việc cho các công ty xuyên quốc gia, đặt trụ sở tại London, New York hay Paris, nhưng nhà máy lại ở Bangladesh, Việt Nam hay Indonesia. Nếu họ bị trả lương rẻ mạt, làm việc trong điều kiện độc hại, hoặc bị sa thải – không có công đoàn toàn cầu nào bảo vệ họ, không có tòa án quốc tế nào giải quyết phúc lợi cho họ, và đặc biệt là... không có lá phiếu nào để họ thay đổi thực tại ấy.
Thứ mà các tập đoàn và quốc gia phương Tây làm rất tốt, đó là giữ lại phần có giá trị cao nhất trong chuỗi sản xuất – thiết kế, thương hiệu, sở hữu trí tuệ, trong khi chuyển toàn bộ phần lao động nặng nhọc, ô nhiễm sang các nước nghèo.
Chi phí sản xuất thấp nhờ nhân công rẻ, tiêu chuẩn lao động lỏng lẻo, quy định môi trường gần như không tồn tại – tất cả tạo ra một môi trường lý tưởng để tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận đó không quay trở lại phục vụ cộng đồng lao động tạo ra nó, mà được tích lũy tại các nước giàu. các thị trường tài chính phương Tây, các công ty công nghệ lớn, các quỹ đầu tư toàn cầu.
Một trật tự tư bản toàn cầu hoàn hảo nhưng bất công
Mô hình toàn cầu hiện nay hoạt động như một cỗ máy chiết tách giá trị: hút cạn thặng dư lao động, tài nguyên và chất xám từ các nước yếu thế, để đảm bảo mức sống cao cho cư dân ở các nước phương Tây.
Đây không phải là mô hình hoàn toàn “win-win” như các học thuyết kinh tế thị trường cổ điển từng vẽ ra. Mô hình này chỉ giúp tạo ra tăng trưởng trong ngắn hạn cho các nước nghèo, còn về dài hạn nó chính là rào cản, là cái bẫy khiến các nước này không thoát ra được.
Mở cửa nền kinh tế là đón nhận dòng vốn ngoại, là tăng trưởng nhanh chóng nhưng cũng đồng thời là án tử cho nhiều doanh nghiệp nội địa. Khi mà một cậu bé vừa mới lớn đã phải lên võ đài với những bậc cha chú tích lũy đủ đầy kinh nghiệm, sức khỏe.
Đây là một hệ thống tạo ra sự bất bình đẳng trong dài hạn có chủ đích, trong đó các quốc gia nghèo bị khóa chặt trong vai trò nhà máy của thế giới, và mãi mãi không thể vươn lên.
Chỉ khi nắm được giá trị thặng dư do chính mình tạo ra, các quốc gia đang phát triển mới có thể vươn mình, tự quyết số phận – và mang lại đời sống xứng đáng cho người dân, thay vì tiếp tục là chiếc "bánh răng" trong cỗ máy vận hành sự giàu có... của người khác.