Trong số đó có hai bản cáo trạng cấp liên bang - một liên quan đến việc xử lý sai tài liệu mật quốc gia, và một về cáo buộc tìm cách lật ngược kết quả bầu cử Tổng thống 2020.
Song song với đó là hai vụ kiện ở cấp tiểu bang - vụ "tiền bịt miệng" tại Manhattan, nơi ông đã bị kết án với 34 trọng tội, cùng với vụ kiện tại Georgia về cáo buộc can thiệp bầu cử năm 2020.
Trong trường hợp ông Trump tái đắc cử, các công tố viên phụ trách những vụ án này sẽ phải đương đầu với những rào cản pháp lý mới.
Theo đó, ông Donald Trump sẽ có nhiều cách để gây sức ép buộc Bộ Tư pháp - cơ quan thuộc nhánh hành pháp dưới quyền giám sát của Tổng thống - hủy bỏ các bản cáo trạng cấp liên bang chống lại bản thân ông.
Cựu Tổng thống cũng cho biết ông sẽ sa thải công tố viên đặc biệt Jack Smith (phụ trách các cuộc điều tra trên) ngay lập tức nếu thắng cử.
Các vụ kiện tại Georgia và Manhattan, dù nằm ngoài phạm vi quyền hạn của Bộ Tư pháp Liên bang, nhưng có lẽ ông Trump sẽ chẳng để yên nếu lên nắm quyền Tổng thống.
Tại Georgia, ông bị buộc tội âm mưu phá hoại kết quả bầu cử năm 2020. Một số đồng phạm đã nhận tội, nhưng cựu Tổng thống vẫn khẳng định bản thân trong sạch. Ông Clark Cunningham, giáo sư luật tại Đại học bang Georgia dự đoán, ông Trump sẽ tìm cách đẩy vụ kiện tiểu bang lên cấp liên bang.
Về phần vụ án tại Manhattan, ông Trump dự kiến sẽ nhận được phán quyết vào cuối tháng 11, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, tòa án vẫn chưa ra phán quyết về việc liệu toàn bộ hay một phần bản án có nên bị hủy bỏ theo quyết định miễn trừ của Tòa án Tối cao hay không.
Như vậy, việc Trump bị tuyên án tù khi còn ở Nhà Trắng là không khả thi về mặt hiến pháp, khiến việc tuyên án có khả năng sẽ bị hoãn lại ít nhất cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo.
“Vào thời điểm này, về cơ bản Trump đã thắng trong cả bốn vụ kiện”, ông Paul Butler, giáo sư tại trường Luật Georgetown, nhận định.
Vị giáo sư cũng phân tích, ông Trump có thể lựa chọn “tự ân xá” như một biện pháp pháp lý, nhằm đảm bảo tuyệt đối không còn khả năng bị truy tố ở cấp liên bang sau khi rời khỏi Nhà Trắng.
Được biết, theo hiến pháp Mỹ, Tổng thống được trao quyền hạn trong việc ân xá cho những người đang bị kết án hoặc bị buộc tội ở cấp liên bang, dù quyền lực này không thể vượt qua thẩm quyền luận tội của Quốc hội.
Trong suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ, chưa từng có tiền lệ một Tổng thống nào tự ân xá cho bản thân. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, Trump đã bắt đầu ấp ủ ý tưởng này ngay từ thời điểm ông còn tại vị trong nhiệm kỳ đầu tiên./.
Nguồn tham khảo: Financial Times