
Cụm công nghiệp là gì?
Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 68/2017/NĐ-CP quy định, “Cụm công nghiệp” là nơi sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Cụm công nghiệp có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10 ha. Riêng đối với cụm công nghiệp ở các huyện miền núi và cụm công nghiệp làng nghề có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 5 ha.
Đặc điểm của cụm khu công nghiệp
Dựa trên khái niệm cụm khu công nghiệp là gì được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 68/2017/NĐ-CP, các cụm công nghiệp có những điểm đặc trưng dưới đây:
- Về diện tích của cụm công nghiệp: Diện tích của cụm công nghiệp sẽ từ 10 – 75 ha, tùy thuộc vào vị trí địa lý và mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Riêng với khu vực miền núi và cụm công nghiệp làng nghề, diện tích được điều chỉnh trong khoảng 5 – 75 ha.
- Về quy mô sản xuất: Cụm công nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, thường để phục vụ nhu cầu của địa phương.
- Về hình thức kinh doanh của doanh nghiệp trong cụm công nghiệp: Các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp thường hoạt động theo dạng hợp tác và góp vốn chung giữa các nhà đầu tư và nhà máy nhỏ lẻ.
Vai trò của cụm khu công nghiệp
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến năm 2021, các cụm công nghiệp đã tạo cơ hội việc làm cho 580.500 người dân địa phương và thu hút 13.468 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tổng vốn đăng ký 316.428 tỷ đồng.
Theo định hướng của Chính phủ, cụm khu công nghiệp đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế và đời sống nhân tại địa phương:
- Thu hút vốn đầu tư, phát triển công nghiệp: Cụm công nghiệp là một trong những yếu tố hấp dẫn nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp cho địa phương.
- Tạo ra việc làm, cải thiện đời sống người dân: Cụm công nghiệp giúp cũng tạo ra việc làm ổn định, giải quyết tình trạng thất nghiệp cho người dân địa phương.
- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Cụm khu công nghiệp thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tại các vùng nông thôn. Từ đó, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa diễn ra tại địa phương trên cả nước.
- Đẩy mạnh các khu vực nông thôn phát triển theo hướng hiện đại hóa: Là một phiên bản thu nhỏ của khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển của các khu công nghiệp tại địa phương trong tương lai.
Điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp là gì?
Căn cứ vào Điều 10 Nghị định 68/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 66/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện thành lập cụm công nghiệp như sau:
1. Điều kiện thành lập cụm công nghiệp:
a) Có trong phương án phát triển cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt;
b) Có doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật;
c) Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp nhỏ hơn 50 ha.
2. Điều kiện mở rộng cụm công nghiệp:
a) Không vượt quá 75 ha, có quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện;
b) Có doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật;
c) Đạt tỷ lệ lấp đầy ít nhất 60% hoặc nhu cầu thuê đất công nghiệp trong cụm công nghiệp vượt quá diện tích đất công nghiệp hiện có của cụm công nghiệp;
d) Hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng kỹ thuật chung theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Theo đó, để thành lập cụm công nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí sau:
- Có trong phương án phát triển cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt;
- Có doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật;
- Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp nhỏ hơn 50 ha.
Đừng quên theo dõi Cẩm nang nhà đất trên DFF.VN để cập nhật nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé!