Người theo dõi

CSV tăng trần 3 phiên liên tiếp, cổ phiếu hóa chất sắp có "sóng" lớn ?

Thứ Sáu, 5/7/2024, 10:47 (GMT+7) 3 phút đọc
Cổ phiếu CSV tăng kịch trần trong sáng hôm nay (5/7) và thiết lập mức giá cao kỷ lục kể từ khi niêm yết. Đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu này.

Cổ phiếu CSV của CTCP Hóa chất Cơ bản miền Nam tăng kịch trần trong phiên sáng 5/7 với lượng dư mua hơn 500.000 đơn vị. Thanh khoản đạt 1 triệu cổ phiếu, tương đương với mức trung bình 20 phiên.

Đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của CSV, đưa giá cổ phiếu lên ngưỡng 33.650 đồng, thiết lập mức vốn hóa cao kỷ lục kể từ khi niêm yết với 3.475 tỷ đồng.

csv.PNG
Diễn biến giá cổ phiếu CSV

Diễn biến đáng chú ý của CSV được ghi nhận ngay sau ngày “lăn chốt” trả cổ tức của công ty này.

Cụ thể, CSV sẽ thực hiện trả cổ tức 2023 bằng tiền với tỷ lệ là 25% (1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng) được chia làm 2 đợt. 

Đợt 1, cổ đông nhận cổ tức tỷ lệ 10%, thời gian thực hiện dự kiến vào 16/7. Đợt 2, cổ đông nhận cổ tức theo tỷ lệ 15%, thời gian dự kiến vào 7/10. 

Ngoài ra, CSV cũng sẽ phát hành hơn 66 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 100:150 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 150 cổ phiếu mới). Sau khi phát hành, CSV sẽ tăng vốn điều lệ từ 442 tỷ lên 1.105 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu và quỹ đầu tư phát triển.

CSV là nhà sản xuất xút - clo hàng đầu tại Việt Nam và nhà sản xuất thương mại lớn nhất tại miền Nam.

Trong đó, mảng xút - clo đóng góp hơn 50% tổng doanh thu hàng năm. Các sản phẩm xút của doanh nghiệp này có cơ cấu đa dạng như xút 25%, 32%, 40%, 50%, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều phân khúc khách hàng trên thị trường.

Bên cạnh đó, CSV cũng sở hữu dây chuyền sản xuất xút và các dẫn xuất hiện đại nhất hiện nay, chiếm 20% tổng công suất xút - clo cả nước. So với các đối thủ khác thì doanh nghiệp này đang có lợi thế về định mức tiêu hao 2 nguyên nhiên liệu đầu vào chính - muối công nghiệp và điện (chiếm 70-80% giá thành sản phẩm).

Về triển vọng thị trường xút, theo đánh giá mới đây của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), nhiều khả năng thị trường xút - clo toàn cầu sẽ đảo chiều đi lên trong năm nay khi các hoạt động sản xuất công nghiệp dần phục hồi, chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nền kinh tế lớn đi vào giai đoạn cuối và lãi suất dần hạ xuống.

Đồng quan điểm, một số tổ chức tài chính nhận định giá xút trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc - nước sản xuất xút lớn nhất thế giới, đã chạm đáy. Trong quý 3/2023, giá xút tại Trung Quốc đã tăng hơn 30% khi các ngành công nghiệp sử dụng nhiều xút như dệt may, hoá chất, luyện kim tại nước này đang có sản lượng phục hồi qua các tháng.

Những động thái này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giá xút tại Việt Nam tăng trở lại trong thời gian tới do lượng xút nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) chiếm đến 40% - 50% tổng nhu cầu sử dụng nội địa hàng năm của nước ta.

Về kế hoạch kinh doanh 2024, ban Lãnh đạo CSV đặt mục tiêu doanh thu 1.640 tỷ đồng tăng hơn 3% so với năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 261 tỷ đồng giảm 10% so với năm 2023. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 4 năm của CSV.

Chia sẻ
Báo cáo
A
Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên