Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

CPI là gì? Vì sao phải đo lường CPI? Phân biệt CPI và lạm phát

00:24 21/11/2024

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là một chỉ số kinh tế quan trọng, đo lường mức độ thay đổi giá cả của hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. CPI có mối quan hệ mật thiết với lạm phát, đồng thời chỉ số này còn được sử dụng trong cách chính sách vĩ mô.

Khái niệm CPI

Chỉ số giá tiêu dùng (Consumer Price Index - CPI) là chỉ tiêu tương đối (tính bằng%) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá chung theo thời gian của các loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng hàng ngày của người dân.

Danh mục hàng hoá và dịch vụ đại diện phục vụ tính CPI gồm các mặt hàng và dịch vụ chủ yếu, đại diện cho tiêu dùng của dân cư trong một giai đoạn nhất định.

Quyền số tính CPI là tỷ trọng chi tiêu cho các nhóm hàng hoá và dịch vụ trong tổng chi tiêu của dân cư của năm được chọn làm gốc so sánh.

Công thức, phương pháp tính CPI

Theo thông tin từ Tổng cục thống kê, CPI tại Việt Nam được tính toán theo công thức Laspeyres bình quân nhân gia quyền, có dạng tổng quát như sau:

CPI là gì? Vì sao phải đo lường CPI? Mối quan hệ giữa CPI và lạm phátCông thức tính CPI (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

CPI được tính từ kết quả điều tra giá tiêu dùng của từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. CPI được tính bằng phương pháp bình quân nhân gia quyền giữa mức biến động giá của các nhóm mặt hàng với quyền số tương ứng.

CPI của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tính bằng phương pháp bình quân nhân gia quyền giữa CPI của mỗi nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng được chọn điều tra với quyền số tương ứng.

CPI của 6 vùng kinh tế – xã hội được tính bằng phương pháp bình quân nhân gia quyền giữa CPI của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng với quyền số tương ứng.

CPI của cả nước được tính bằng phương pháp bình quân nhân gia quyền giữa CPI của các vùng kinh tế – xã hội với quyền số tương ứng.

Nguồn số liệu để tính toán có được nhờ khảo sát mức sống dân cư Việt Nam, điều tra giá tiêu dùng. Theo đó, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập và tổng hợp là Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

CPI thường được tính hàng tháng, hàng quý và hàng năm, tính cho từng nhóm hàng hóa hoặc một số nhóm hàng hóa… tùy theo mục đích nghiên cứu. Ngoài CPI các nhà kinh tế học cũng tính toán chỉ số giá bán buôn (mức giá của giỏ hàng khi doanh nghiệp mua vào).

Ý nghĩa chỉ số CPI

CPI cho thấy mức độ biến động của giá bán lẻ các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu thường xuyên xuất hiện trong sinh hoạt của người dân. Dựa vào chỉ số này, nhà kinh tế học có thể theo dõi sự thay đổi chi phí sinh hoạt của người dân theo các tháng, quý, năm (hay có thể hiểu là đo lường lạm phát) để có kế hoạch điều chỉnh chính sách phù hợp, kiểm soát giá cả.

CPI có thể được coi là chỉ báo kinh tế vĩ mô về lạm phát và là một trong những công cụ được Chính phủ và ngân hàng trung ương sử dụng để kiểm tra sự ổn định giá. CPI tăng nhanh cho thấy giá cả đang tăng lên nhanh chóng, lạm phát đang diễn ra. Ngược lại, nếu CPI giảm quá mức cũng không phải tín hiệu tốt bởi nó cho thấy giá cả đang bị xuống thấp quá mức, không có lợi cho hoạt động sản xuất và kinh doanh, không có lợi cho nền kinh tế.

Đối với doanh nghiệp, việc theo dõi chỉ số CPI giúp các doanh nghiệp đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình chi tiêu của người dân. Khi CPI tăng, giá trung bình của hàng hóa tăng, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh việc bán hàng và tích trữ thêm tồn kho để cung ứng thị trường. Ngược lại, khi CPI giảm, giá trung bình của hàng hóa giảm, doanh nghiệp sẽ hạn chế gia tăng tồn kho.

Mối quan hệ giữa CPI và lạm phát

CPI và lạm phát là hai chỉ số luôn đi kèm với nhau trong những báo cáo phân tích vĩ mô. CPI là thước đo lạm phát được sử dụng rộng rãi nhất. Mối liên hệ giữa CPI và Lạm phát được sử dụng trong công thức tính tỷ lệ lạm phát sau:

CPI là gì? Vì sao phải đo lường CPI? Mối quan hệ giữa CPI và lạm phát

Trong đó:
π tỷ lệ lạm phát cần tính
CPI^t là chỉ số giá tiêu dùng thời kỳ t
CPI^(t-1) là chỉ số giá tiêu dùng năm trước đó

Có thể thấy tỷ lệ lạm phát được tính dựa trên chỉ số giá tiêu dùng của các năm. Do đó, nếu năm sau giỏ hàng hóa có giá cao hơn năm trước càng nhiều thì tỷ lệ lạm phát sẽ càng lớn. CPI và lạm phát là ví dụ tiêu biểu nhất cho mối quan hệ cùng chiều. Tuy nhiên, CPI chỉ là một trong những nhân tố để đo lường tỷ lệ lạm phát. Lạm phát còn được tính bằng những chỉ số khác nữa.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sử dụng dữ liệu CPI để xác định chính sách kinh tế. Với tỷ lệ lạm phát mục tiêu là 2%, Fed có thể ban hành chính sách tiền tệ mở rộng để kích thích nền kinh tế nếu tăng trưởng thị trường chậm lại hoặc ban hành chính sách tiền tệ thắt chặt nếu nền kinh tế tăng trưởng quá nhanh. Thông qua CPI, Fed có thể điều chỉnh lãi suất sao cho đảm bảo được tỷ lệ lạm phát đạt được mục tiêu.

Những lưu ý khi tính CPI

CPI có thể phản ánh cao hơn thực tế

Khi một mặt hàng hoặc dịch vụ có nhiều sản phẩm thay thế thì việc cố định rổ hàng hóa sẽ không còn chính xác. Trường hợp rổ giá của hàng hóa hoặc dịch vụ cao hơn thì người dân sẽ tiêu dùng sản phẩm thay thế có mức giá phù hợp hơn, nên chỉ số CPI trong trường hợp này có thể phản ánh cao hơn thực tế.

CPI không phản ánh được các sản phẩm mới trên thị trường

Trong khi rổ hàng hóa, dịch vụ được cố định và cập nhật định kỳ với độ trễ khá dài (5 năm), nên các hàng hóa và dịch vụ mới được người dân tiêu dùng nhiều không được thêm vào rổ hàng hóa.

CPI không thể hiện chất lượng hàng hóa

Nếu chất lượng sản phẩm trong rổ hàng cố định có mức giá tăng hoặc tăng cao hơn giá thành, điều này sẽ góp phần tăng mức giá của rổ hàng hóa nhưng không phản ánh được rằng chất lượng của sản phẩm đã được cải thiện tốt hơn./.

Đừng quên theo dõi Cẩm nang đầu tư trên DFF.VN để cập nhật nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé!