Người theo dõi

CPI của Mỹ hạ nhiệt, Fed có thể giảm lãi suất từ tháng 9

Thứ Năm, 16/5/2024, 15:07 (GMT+7) 3 phút đọc
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng thấp hơn dự báo làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 năm nay.

Dữ liệu thị trường tương lai cập nhật trên CME FedWatch Tool cho thấy, có 74,5% khả năng Fed sẽ giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9. Con số này đã tăng gần 10 điểm % sau khi các số liệu CPI tháng 4 của Mỹ được công bố.

fed.PNG
Biểu đồ thể hiện xác xuất % các mức điều chỉnh lãi suất của Fed vào tháng 9 (Nguồn: CME Group).

Theo đó, CPI tháng 4 của Mỹ đã tăng 0,3% so với tháng trước, thấp hơn đôi chút so với dự báo của Dow Jones là 0,4%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4 tăng 3,4%.

Loại trừ giá năng lượng và thực phẩm, CPI lõi tháng 4 của Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát cơ bản 12 tháng tăng 3,6% - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021.

Ông Brian Nick, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Macro Institute, cho biết thị trường đã đạt được những gì mình muốn từ các báo cáo lạm phát, doanh số bán lẻ. 

Ông nói thêm rằng những thông tin này đã củng cố luận điểm rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay. “Những công ty như Nvidia và nhiều cổ phiếu tăng trưởng sẽ được hưởng lợi từ việc lãi suất giảm”, vị chuyên gia nhận định.

Cổ phiếu của Nvidia đã tăng 3,6% nhờ chỉ số lạm phát  tích cực. Cổ phiếu của những "gã khổng lồ" công nghệ như Apple, Microsoft đều tăng hơn 1%. Cổ phiếu VinFast (VFS) tăng 3,16% lên 4,24 USD/cp, tương ứng mức vốn hóa gần 11 tỷ USD.

Dan North, nhà kinh tế cấp cao tại Allianz Trade North America cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng thời điểm sớm nhất mà Fed đưa ra động thái cắt giảm là vào tháng 9. Họ sẽ không vội cắt giảm lãi suất khi chưa chắc rằng lạm phát đang đến mức gần 2%".

Fed đã tăng lãi suất 11 lần trong quãng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023 nhằm kiềm chế lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách cho rằng lạm phát sẽ giảm bớt khi những thách thức liên quan đến chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra giảm dần, tuy nhiên nhu cầu tăng mạnh do chính sách kích thích tài chính và tiền tệ đã khiến áp lực giá cả tăng cao./.

Chia sẻ
Báo cáo
A
Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên