“Cơn bão” tỷ giá giật bay 8-10 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong năm 2024
14:49 25/11/2024
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam - ‘bộ đệm’ chính để ứng phó với áp lực tỷ giá - đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD, theo VDSC. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động hơn khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.
Quan điểm này được CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - Mã CK: VDS) cho biết tại báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ tháng 11/2024. Theo đó, có nhiều yếu tố có thể khiến đồng USD mạnh thêm, chủ yếu phát xuất từ việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Theo đó, kỳ vọng các kế hoạch nới lỏng tài khoá và chính sách nhập cư chặt chẽ hơn của chính quyền mới, khi kết hợp với lãi suất cao giữa Mỹ và các nền kinh tế khác, cùng sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, là tiền đề cho một đợt tăng giá của đồng USD.
“Trong năm 2025, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng tiền tệ của thị trường mới nổi sẽ phải đối mặt với hai luồng gió ngược là rủi ro tăng trưởng thương mại do thuế quan và lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ cao hơn”, báo cáo nêu.
Dù vậy, rủi ro chính quyền Trump áp thuế quan lên Việt Nam trong năm 2025 hiện vẫn không nằm trong kịch bản cơ sở của đội ngũ phân tích tại VDSC.
Đáng chú ý, báo cáo cũng trích dẫn số liệu của IMF cho thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. “Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra”, báo cáo nêu.
Trước đó, dữ liệu cập nhật tại ngày 1/3/2024 được IMF công bố cho thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt trên 93 tỷ USD.
VDSC cho rằng áp lực đối với điều hành tỷ giá năm 2025 ngoài việc chịu ảnh hưởng của việc đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh thì diễn biến mang tính thời điểm còn phụ thuộc nhiều vào tính mùa vụ của cung-cầu ngoại tệ.
Do đó, trong kịch bản cơ sở (Việt Nam không bị áp thuế quan trong năm 2025), tỷ giá USD/VND trong năm sau có thể biến động trong biên độ +/-5% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đặt ra./.