Nguyễn Luyện Thứ Tư, 12/6/2024, 16:44 (GMT+7)
Người theo dõi

Commonwealth Bank of Australia (CBA) sắp thoái vốn khỏi VIB?

Đáng chú ý, theo Vietcap, ban lãnh đạo VIB chỉ mới biết đến mục tiêu của cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) sau khi “NHNN trả lại văn bản chấp thuận thoái vốn”.

Vô tình hay hữu ý, các câu hỏi chất vấn về việc thoái vốn của cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) được nêu khá chi tiết trong biên bản họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 (EGM 2024) mà Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Mã CK: VIB) mới công bố.

“Dự thảo Điều lệ về giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa Cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài là 4,99% Vốn điều lệ có thể ảnh hưởng đến việc thoái vốn của Nhà đầu tư chiến lược Commonwealth Bank of Australia (“CBA”)?”, một cổ đông chất vấn. Trong khi đó, một cổ đông khác đặt vấn đề: “CBA có thảo luận với VIB về lộ trình thoái vốn hay không?”; “VIB có đang trong quá trình tìm kiếm Nhà đầu tư chiến lược thay thế CBA hay không?”.

Chưa rõ ban lãnh đạo VIB đã trả lời các câu hỏi trên ra sao nhưng biên bản họp EGM 2024 do nhà băng này công bố thì viết ngắn gọn: “Đoàn Chủ tịch đã trả lời đầy đủ và thỏa đáng các câu hỏi của các Cổ đông”.

Còn theo ghi nhận của CTCP Chứng khoán Vietcap (Vietcap) tại đại hội, ban lãnh đạo VIB chia sẻ rằng, họ chỉ mới biết đến mục tiêu của CBA sau khi “NHNN trả lại văn bản chấp thuận thoái vốn”. Hiện tại, VIB cũng chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch thoái vốn cụ thể sắp tới của cổ đông chiến lược đã gắn bó với họ từ năm 2009.

Đối với CBA, định chế tài chính từ Úc có lẽ đã xem khoản đầu tư tại nhà băng được lèo lái bởi ông Đặng Khắc Vỹ như một khoản đầu tư tài chính, sau khi họ rút đại diện khỏi HĐQT VIB vào năm 2019.

Trong kịch bản ấy, việc duy trì tỷ lệ sở hữu ngót 20% cổ phần tại một nhà băng vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển như VIB sẽ giúp lô cổ phần của CBA càng có giá.

Hồi tháng 11/2021, Đại hội đồng cổ đông VIB đã phủ quyết phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành quyền mua cổ phần/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 10% vốn điều lệ. Nguyên nhân là do chỉ có 40,7% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết tán thành nội dung này, trong khi có tới 46,2% tổng số phiếu phủ quyết.

EGM 2024 vừa diễn ra giúp có thêm hình dung về cơ cấu sở hữu của VIB.

Ở thời điểm 8h20, đại hội có sự tham dự của 69 cổ đông, đại diện cho 2,04 tỷ cổ phần, chiếm 80,63% tổng số phiếu biểu quyết của VIB. Trong đó, 8 người tham dự theo diện ủy quyền đã đại diện cho tới 55,37% tổng số quyền biểu quyết của VIB.

Đến 9h30, số cổ đông tham dự theo diện ủy quyền tăng lên 20 người nhưng số cổ phần mà họ đại diện chỉ nhích tăng lên mức 55,84%.

Biên bản họp cho thấy cả 7 tờ trình đều nhận được sự phản đối của nhóm cổ đông đại diện cho hơn 24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của VIB. Một trong số đó là tờ trình liên quan đến việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại VIB xuống còn 4,99% vốn điều lệ.

“Room” ngoại tại VIB hiện được “khóa” ở mức 20,499% vốn, thấp hơn so với mức trần 30% theo quy định của pháp luật. Trong đó, CBA chiếm 19,854% vốn, tương ứng 502 triệu cổ phần./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên