Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Có thể bạn chưa biết: Mỹ từng sa lầy trong cuộc đua thuế quan ‘có đi có lại’ nhưng rồi đành phải quay xe vì lý do này

05:02 23/02/2025



Chẳng phải đến khi ông Donald Trump làm Tổng thống, cường quốc số 1 thế giới từng thử áp dụng việc đánh thuế ‘có đi có lại’ (reciprocal tariffs) từ hơn 80 năm trước nhưng đã sớm nhận ra sai lầm.

Kế hoạch đánh thuế ‘có đi có lại’ của ông Trump đang phủ mây đen lên thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, việc này có thực sự mang lại lợi ích lâu dài cho nước Mỹ, hay sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” làm tổn hại đến nền kinh tế số 1 thế giới, cùng người viết tìm hiểu thêm về vấn đề này qua một bài viết mới đây - đã được chuyển ngữ - trên tờ Economist nhé!

Ông Donald Trump chăm chú đọc một sắc lệnh trước khi ký ban hành (Nguồn: Picture Alliance)

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn từ bỏ các nguyên tắc đã tạo nên nền tảng của thương mại toàn cầu trong suốt 3/4 thế kỷ qua? Đó là câu hỏi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng sẽ tìm ra câu trả lời. 

Ông chủ Nhà Trắng muốn đánh thuế đối ứng (reciprocal tariff), cụ thể là các mức thuế bằng với mức thuế mà các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ phải đối mặt ở nước ngoài, cộng với các khoản phí để bù đắp cho bất kỳ chính sách nào mà ông cho là không công bằng.

“Một hệ thống thương mại đa phương ổn định, dù có những khuyết điểm, đã thúc đẩy sự gia tăng thịnh vượng toàn cầu kỳ diệu sẽ nhường chỗ cho những phán xét tùy tiện từ Phòng Bầu dục”, tờ Economist bình luận.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã xây dựng một hệ thống thương mại toàn cầu nhằm đối xử công bằng với các quốc gia. Nguyên tắc hoạt động của nó là điều khoản "quốc gia được đối xử tối huệ" (MFN). Tức là, các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phải áp dụng cùng một mức thuế đối với một mặt hàng, bất kể nguồn gốc của nó từ đâu (trừ khi có các hiệp định tự do thương mại (FTAs) sâu sắc, chẳng hạn như các thỏa thuận giữa Mỹ, Canada và Mexico).

Do đó, trong hầu hết thị trường, các doanh nghiệp Mỹ đều có chung điều kiện thương mại với các đối tác nước ngoài. Điều này giúp kiềm chế các xu hướng bảo hộ hoặc vận động cho những ưu đãi đặc biệt. Bởi lẽ, nếu một nước muốn thay đổi thuế quan đối với một đối tác thương mại thì họ cũng phải thay đổi với tất cả các nước khác. 

Chính sách thuế của ông Trump có thể sẽ rất phức tạp, tùy tiện và có khả năng làm gia tăng thay vì giảm thiểu thuế quan. 

Thay vì một mức thuế duy nhất, có những mặt hàng sẽ phải chịu hàng trăm mức thuế song phương. Đối với các sản phẩm có chuỗi cung ứng trải dài trên nhiều quốc gia, mọi thứ sẽ còn phức tạp gấp nhiều lần. 

Thực ra, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Mỹ đã theo đuổi chính sách thuế đối ứng, để rồi bị cuốn vào các cuộc đàm phán triền miên, tốn kém và không thể đoán trước, dẫn đến việc quốc hội nước này thông qua MFN vô điều kiện vào năm 1922.

Giờ đây, sự bất định sẽ càng gia tăng do ông Trump có xu hướng trở thành người phán xét liệu các thực hành thương mại của một quốc gia có không công bằng hay không. 

Lệnh của ông đã trích dẫn thuế giá trị gia tăng (VAT), vốn được áp dụng ở hầu hết các quốc gia giàu có, là một trong những hình thức phân biệt đối xử; Mỹ không có VAT, chỉ có thuế bán hàng ở cấp tiểu bang và địa phương.

Tuy nhiên, theo Economist, thuế VAT là công bằng, vì nó áp dụng đồng đều đối với hàng nhập khẩu và hàng hóa nội địa. Việc đưa VAT vào sự đối ứng sẽ dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ các mức thuế. 

Theo Goldman Sachs, nếu Mỹ chỉ áp dụng thuế đối ứng mà không có sự trả đũa, mức thuế tại Mỹ sẽ tăng trung bình 2 điểm phần trăm.

Nhiều quốc gia châu Âu có tỷ lệ VAT vượt quá 20%. Nhưng có khả năng sẽ có sự trả đũa, vì vậy các mức thuế có thể tăng vọt. Chỉ khả năng này thôi cũng sẽ khiến các doanh nghiệp ‘né tránh’ các hoạt động thương mại. Bởi, ai mà biết được ông Trump sẽ phàn nào điều gì tiếp theo (?!).

Chính sách thuế đối ứng chỉ là một yếu tố trong các kế hoạch của ông chủ Nhà Trắng. Nếu ông Trump cũng áp dụng mức thuế 25% đối với một số hàng hóa, như ông đã liên tục đe dọa, bạn sẽ có một công thức cho sự trả đũa, mà cái kết là một cuộc chiến thương mại toàn diện. 

Điều này có thể thỏa mãn ông Trump nhưng đó sẽ là một cú sốc đối với nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế thế giới nói chung./.