Bùi Xuân Bách Thứ Năm, 20/6/2024, 15:31 (GMT+7)
Người theo dõi

Cổ phiếu MVN tăng "dựng đứng", vốn hóa của VIMC vượt 3 tỷ USD

Đà tăng gần 4 lần của cổ phiếu MVN trong 10 phiên qua đã đưa vốn hóa của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vượt 3 tỷ USD.

Bất chấp sự rung lắc của thị trường chung, cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) liên tục “phi nước đại” trong những phiên gần đây. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/6/2024, mã này đã tăng hết biên độ, qua đó xác lập mức đỉnh mới 62.400 đồng/cp.

"Tím trần" 7 trong tổng số 10 phiên giao dịch gần nhất, thị giá MVN bứt phá gần 200%. Tính theo giá đóng cửa phiên hôm nay, vốn hoá thị trường của doanh đã nghiệp đạt 74.999,2 tỷ đồng (~3,2 tỷ USD). Đây cũng là mức cao kỷ lục trong lịch sử niêm yết của VIMC.

Diễn biến của cổ phiếu MVN trong phiên giao dịch sáng nay.
Diễn biến của cổ phiếu MVN trong phiên giao dịch hôm nay.

Sự tăng trưởng tích cực của cổ phiếu MVN đồng pha với diễn biến chung của nhóm cảng biển trong thời gian gần đây, với kỳ vọng giá cước vận tải thế giới tăng cao sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải nội địa hưởng lợi như giai đoạn năm 2021 - 2022.

Tính đến ngày 13/6, chỉ số World Container Index (8 tuyến vận tải chính trên thế giới) đã lên đến 4.801 USD/container 40 feet, tăng mạnh 73% trong một tháng và tăng 181% so với cùng kỳ.

Nhờ đà tăng của giá cước, kết thúc quý đầu năm nay, doanh nghiệp mang về 3.596 tỷ đồng doanh thu và 576 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 26% và 19% so với cùng kỳ 2023. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế đạt 479 tỷ đồng, tăng 21% so với quý 1/2023, trong đó lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là hơn 342 tỷ đồng. Nhờ duy trì kết quả kinh doanh khả quan, tính đến cuối quý I, VIMC đã chuyển trạng thái từ lỗ lũy kế sang có lãi tích lũy hơn 60 tỷ đồng.

Đây được xem là tiền đề quan trọng để VIMC triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua. Theo chủ trương, doanh nghiệp sẽ ưu tiên phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho các đối tác chuyên về vận tải container để hợp tác phát triển loại hình vận tải hàng hoá đặc thù này, đồng thời hạ tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước xuống 65%.

Bên cạnh hoạt động khai thác cảng và vận tải biển, VIMC cũng đang tích cực thoái vốn theo đề án tái cơ cấu. Trong năm nay, VIMC lên kế hoạch thoái vốn/giảm vốn tại 9 doanh nghiệp gồm 3 doanh nghiệp chuyển tiếp và 6 doanh nghiệp theo kế hoạch mới.

Tổng công ty đã hoàn thành thoái vốn Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (Sesco) trong tháng 2, tiếp tục đấu giá Công ty cổ phần Hàng hải Sài Gòn (SHC) trong quý II và tiếp tục thực hiện thủ tục thoái vốn tại Công ty TNHH Hàng công nghệ cao (Transvina), Vinabridge... Việc này sẽ đem lại nguồn thu tài chính, bổ trợ kết quả kinh doanh./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên