Chủ nhật, 5/5/2024, 16:22 (GMT+7)
Người theo dõi

Cơ nghiệp ‘khủng’ của ông chủ Plaschem Group Bùi Tố Minh

Plaschem Group tiền thân là CTCP Hóa chất nhựa. Toát lên từ tên gọi, Plaschem Group của ông Bùi Tố Minh khởi nguồn từ kinh doanh hạt nhựa và hóa chất, rồi lấn sân sang mảng bất động sản, khách sạn, hạ tầng khu công nghiệp, năng lượng tái tạo.

Sinh năm 1967, tên tuổi của vị doanh nhân Bùi Tố Minh gắn liền với quá trình trưởng thành và vươn tầm của CTCP Hóa chất nhựa, nay là CTCP Tập đoàn Hóa chất nhựa (Plaschem Group).

Pháp nhân này được thành lập vào tháng 10/1999, đầu tư dây chuyền sản xuất hạt nhựa đầu tiên theo công nghệ nước ngoài vào năm 2001. Tổng công suất vận hành thực tế của 5 dây chuyền đến cuối năm 2015 được cho là đạt khoảng 20.000 tấn/năm, chiếm từ 48-50% tổng sản lượng cả nước.

Ông chủ Plaschem Group Bùi Tố Minh
Ông chủ Plaschem Group Bùi Tố Minh

Theo giới thiệu, doanh thu trong những năm đầu hoạt động của Plaschem Group đạt từ 202 tỷ đồng/năm, và đến nay đã tăng lên 2.000 tỷ đồng/năm. Con số này, theo tìm hiểu của người viết, có lẽ vẫn còn khiêm tốn.

Chẳng hạn, năm 2019, doanh thu thuần của Plaschem Group (khi đó là CTCP Hóa chất nhựa) đã rất đáng nể so với CTCP Nhựa Bình Minh hay CTCP Nhựa Tiền Phong – những doanh nghiệp nhựa hàng đầu đang niêm yết, với giá trị ghi nhận ở mức 3.215 tỷ đồng.

Cùng năm, Plaschem Group ghi nhận lợi nhuận thuần ở mức 244,9 tỷ đồng. 3 năm trước đó, công ty này đều báo lãi và đem về tổng cộng hơn 280 tỷ đồng lợi nhuận ròng.

Plaschem Group cũng không ngừng gia cố nội lực. Đầu năm 2013, doanh nghiệp này đã đưa vào hoạt động nhà máy AD Star Tú Phương (Long An), với tổng mức đầu tư 15 triệu USD, chuyên cung cấp sản phẩm bao bì cho các doanh nghiệp xi măng, với sản lượng 156 triệu bao/năm. Cũng tại Long An, Plaschem Group còn xây Nhà máy màng BOPP Tú Phương (Tu Phuong BOPP Film Factory) giai đoạn 1, với quy mô 4.000 m2, có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

plaschem.png

Silk Path và tham vọng bất động sản của ông Minh ‘nhựa’

Nhắc tới “hệ sinh thái” của đại gia Bùi Tố Minh, sẽ là thiếu sót, nếu bỏ qua thương hiệu bất động sản Silk Path.

Silk Path Hotels & Resorts được thành lập vào năm 2009, bắt đầu với khách sạn Silk Path Hotel Hanoi (số 195-199 Hàng Bông, Hà Nội). Sau đó, chuỗi này lần lượt ra mắt thêm 3 khách sạn nữa, tại Hà Nội (Silk Path Boutique Hanoi; số 21 Hàng Khay), Sapa và Huế. Bà Bùi Tú Phương, ái nữ của gia đình ông Minh, giữ vai trò Tổng giám đốc công ty quản lý chuỗi khách sạn này.

Trong khi đó, CTCP Sân Golf Silk Path – pháp nhân do ông Bùi Tố Minh làm người đại diện theo pháp luật – là đơn vị phát triển phát triển dự án The Imperial Valley Golf & Country Club, có diện tích 127,5ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng tại Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Hồi tháng 3/2024, Silk Path Hotels & Resorts được chọn làm quản lý vận hành dự án The Gloria by Silk Path – tòa căn hộ cao 12 tầng nổi và 3 tầng hầm.

Có vị trí đắc địa trên đường Nguyên Hồng, gần trung tâm Hà Nội, chủ đầu tư The Glory by Silk Path là CTCP In 15 – một doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa từ năm 2003.

Việc thâu tóm hoặc bắt tay với các doanh nghiệp có “gốc” Nhà nước để phát triển quỹ đất xây dự án bất động sản thực ra không còn quá xa lạ đối với ông Minh “nhựa”. Kinh nghiệm thành công tại CTCP Vận Tải Muối (Sal Traco) là một bài học đáng giá cho vị doanh nhân sinh năm 1967.

Sal Traco vốn là doanh nghiệp quản lý sử dụng khu đất công nghiệp, kho tàng có diện tích 12.240 m2 tại số 1 ngõ 319 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Khu đất này là nơi phát triển dự án địa ốc có tên thương mại Green Park 319 Vĩnh Hưng với 94 căn hộ liền kề cao 5 tầng, đồng bộ theo kiến trúc châu Âu.

Giai đoạn 2018-2019, kết quả kinh doanh của Sal Traco bỗng khởi sắc, báo lãi tới cả trăm tỷ đồng, giúp doanh nghiệp này lọt top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất cả nước. Việc Sal Traco báo lãi lớn có thể được hiểu là do được hạch toán thu nhập từ hoạt động bán hàng khi dự án đi vào bàn giao, trong khi việc giá trị lợi nhuận đạt tỷ trọng rất cao so với doanh thu thuần (tới hơn 55%) phần nào thể hiện mức chênh lệch địa tô lớn mà chủ đầu tư đã được hưởng từ dự án.

Cuộc chơi địa ốc của ông chủ Plaschem Group còn vươn ra khu vực ngoại tỉnh. Hồi tháng 4/2023, Liên danh Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Sao Sáng - Công ty CP Tập đoàn Hóa chất nhựa đã đăng ký thực hiện Dự án Xây dựng khu nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị tại số 444 Chợ Hàng, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, Tp. Hải Phòng.

dong van i.png

Đối với mảng bất động sản khu công nghiệp, Plaschem Group là chủ đầu tư Cụm công nghiệp Tú Phương, có quy mô 43,94ha, tọa lạc tại Long An – ‘cứ điểm’ sản xuất của công ty. Bên cạnh đó, Plaschem Group còn làm dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng, tại tỉnh Hà Nam. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.103 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 220 tỷ đồng.

Danh mục dự án khu công nghiệp của Plaschem Group còn có thể kể tới Khu công nghiệp Bình Đông (tỉnh Tiền Giang; quy mô 212ha) và Khu Công nghiệp Bắc Thường Tín (Hà Nội; quy mô 112ha).

Cái bắt tay với TMD Group

Plaschem Group từng gây nhiều chú ý khi bắt tay với đại gia xăng dầu TMD Group triển khai nhiều dự án điện tái tạo lớn tại miền trung.

Tháng 9/2019, Plaschem Group cùng CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức (TMD Group) và ông Chu Đăng Khoa góp vốn thành lập CTCP Điện mặt trời Miền Trung MK (Miền Trung MK).

Đến giữa năm 2020, Miền Trung MK đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép thực hiện khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Điện gió Kỳ Lạc MK và Nhà máy Điện gió Kỳ Anh MK trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dự án phong điện Kỳ Anh MK có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 16.206,9 tỷ đồng.

Miền Trung MK ban đầu có vốn điều lệ ở mức 450 tỷ đồng. Trong đó, Plaschem Group góp 225 tỷ đồng, chiếm 50% vốn điều lệ. Còn TMD Group và ông Chu Đăng Khoa nắm giữ lần lượt 45% và 5% vốn điều lệ. Bà chủ TMD Group Chu Thị Thành (SN 1960) đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện của công ty.

Trong một diễn biến đáng chú ý, chiếc ghế quyền lực nhất tại Miền Trung MK bất ngờ đổi chủ vào tháng 11/2023, từ bà Chu Thị Thành sang ông Bùi Tố Minh. Vị doanh nhân sinh năm 1967 còn kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của công ty này.

Sau khi ông chủ Plaschem Group thâu tóm các vị trí quyền lực nhất trong hội đồng quản trị và ban điều hành, tháng 12/2023, Miền Trung MK tăng mạnh vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.470 tỷ đồng.

Không giới hạn ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, có nhiều dấu hiệu cho thấy mối hợp tác giữa Plaschem Group và TMD Group còn mở rộng sang lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, đơn cử như việc thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Hà Nam./.

Chia sẻ
Báo cáo
A
Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên