Chủ nhật, 22/01/2023, 15:09

Chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn

Với dân số gần 100 triệu người và nền kinh tế số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực cùng dân số trẻ năng động, ham học hỏi cũng như khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, Việt Nam đã và đang được đánh giá có tiềm năng rất lớn trong chuyển

Xu hướng phát triển tất yếu

Nhận thấy vai trò rất quan trọng của CĐS trong tiến trình phát triển của đất nước, những năm gần đây CĐS được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm và Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong xây dựng chuyên đề chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749 QĐ – TTg ngày 3/6/202 với mục tiêu cụ thể là: Phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; đến năm 2030 Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu là 8%. Đây là một mục tiêu không dễ dàng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được nếu quyết tâm đi cùng với những giải pháp phù hợp.

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg, lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Phát biểu trong ngày Chuyển đổi số quốc gia lần đầu tiên được tổ chức (10/10/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả”. Với tinh thần đó, chương trình CĐS quốc gia bao gồm 3 trụ cột chính là Chính phủ số, Kinh tế số và xã hội số, với 3 nhóm mục tiêu cơ bản từ nay đến năm 2025 là Phát triển Chính phủ số; Phát triển kinh tế số; Phát triển xã hội số. Để thực hiện chương trình quan trọng này, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực thực hiện CĐS. Đồng thời CĐS phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Như vậy, với “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, CĐS trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Để không bị tụt hậu, không thể đứng ngoài cuộc

Do CĐS được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới, nên không một lĩnh vực, một ngành và một cấp nào có thể đứng ngoài công cuộc CĐS. Có thể nhận thấy điều đó qua một số lĩnh vực cụ thể:

Có tính chất bao trùm chính là thực hiện CĐS ở các cấp chính quyền, cũng là xây dựng Chính phủ điện tử. Nghĩa là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và CĐS nói riêng nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp. Những lợi ích căn bản mà chính quyền điện tử mang lại là: Giúp tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan và chính quyền các cấp; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, người dân và doanh nghiệp được các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tối đa doanh nghiệp và người dân phải đến trực tiếp các cơ quan chính quyền khi thực hiện các thủ tục hành chính. Thông qua hệ thống các ý kiến góp ý, phản hồi của người dân và doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức, cũng như các quy trình nghiệp vụ,... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý, tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Một trong những lĩnh vực rất quan trọng cần thực hiện CĐS, đó là lĩnh vực báo chí, truyền thông. Đây được xem là xu thế tất yếu của báo chí Việt Nam, mặc dù là công việc không đơn giản và cần một quá trình. Không thực hiện CĐS, cơ quan báo chí sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển và rất có thể phải dừng lại giữa chừng.

Để có thể gặt hái thành công, các tòa soạn đã và đang xây dựng chiến lược CĐS với trọng tâm lấy độc giả làm trung tâm và xây dựng văn hóa sử dụng dữ liệu làm nền tảng cho hoạt động và vận hành của tòa soạn. Tuy nhiên, CĐS có thành công hay không vẫn chủ yếu là nỗ lực của chính cơ quan báo chí. Yếu tố từ bên ngoài cần thiết, nhưng không thể quyết định. Ở đây, CĐS không chỉ là vấn đề công nghệ mà là vấn đề tư duy, phải thay đổi tư duy của người đứng đầu cho đến toàn bộ đội ngũ của toà soạn thì CĐS mới thành công được.

Một điều cũng dễ hiểu (nhưng không dễ làm ngay được), đó là thông qua thực hiện CĐS, các tòa soạn báo và tạp chí sẽ có được hệ thống dữ liệu tốt giúp cơ quan báo chí hiểu đầy đủ hơn nhu cầu của độc giả, từ đó có thể đưa ra được giải pháp tăng cường tương tác với độc giả nhằm mở rộng hơn nữa lượng độc giả và tăng lượng bạn đọc “ruột” của mình. Đây chính là nền tảng giúp các cơ quan báo chí đổi mới mô hình kinh doanh, tạo các nguồn thu mới có hiệu quả và sự phát triển bền vững. Muốn vậy, mục tiêu của CĐS trước hết vẫn phải tập trung vào nội dung và coi nội dung của tờ báo là vấn đề cốt lõi. Như vậy, CĐS không phải là mục đích mà là phương tiện để đạt được những mục tiêu cả trước mắt và lâu dài của cơ quan báo chí.

Ngay đối với một lĩnh vực có cảm giác như ít liên quan tới CĐS như xây dựng chính sách, pháp luật thì CĐS vẫn không đứng ngoài cuộc. Bởi lẽ, quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, 5.0 sẽ phải thay đổi toàn diện, xuất phát từ các yếu tố cơ bản của pháp luật về không gian, thời gian, chủ thể pháp lý, cơ sở và nội dung pháp luật... Do đó, việc ứng dụng công nghệ số để thực hiện CĐS trong hoạt động xây dựng pháp luật cần xuất phát từ yêu cầu của việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng, bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ cùng với sự hình thành và phát triển Chính phủ điện tử cũng đòi hỏi phải nghiên cứu để thay đổi quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ cách thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, giảm áp lực cho người làm công tác soạn thảo văn bản, đồng thời nâng cao chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong khi thực hiện, cũng cần phải lượng hóa được giá trị của việc CĐS trong xây dựng pháp luật, tính toán được lợi ích và phải chứng minh được việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật sẽ tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, bao nhiêu chi phí, bao nhiêu nhân lực và chất lượng cụ thể của quá trình đó là thế nào.

Trong nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường, hoạt động của doanh nghiệp thực sự rất cần “hòa mình” vào công cuộc CĐS. Có thể coi đây là quá trình thay đổi mang tính chiến lược đối với doanh nghiệp; là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tạo nên sự đột phá trên thị trường. Vì thế, không đơn giản là sử dụng một phương pháp, một mô hình là đã thành công, mà cần một quá trình thực hiện có kế hoạch với các mục tiêu rõ ràng cùng những giải pháp phù hợp. Theo đó, CĐS trong doanh nghiệp là sự thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing)... , cũng như thay đổi từ phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, đến văn hóa doanh nghiệp…

Như vậy, rõ ràng CĐS trở thành yêu cầu tất yếu của doanh nghiệp nếu muốn phát triển thực sự. Bởi nhờ CĐS, doanh nghiệp mới có thể Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp; Nâng cao năng suất làm việc; Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; Tăng doanh thu. Nghĩa là CĐS sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội đứng vững và thành công trong cạnh tranh và phát triển.

Tại thời điểm hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trong khi trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, nên không phải không có những khó khăn đối với doanh nghiệp trong thực hiện CĐS. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp về sự cần thiết và tầm quan trọng của CĐS. Nghĩa là người đứng đầu doanh nghiệp thấy được rằng, khi ứng dụng CĐS, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ đồng nhất, giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra và sự vận hành không bị tắc nghẽn, gây tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, CĐS giúp doanh nghiệp khai thác được tối đa năng lực làm việc của CBCNV trong đơn vị; đồng thời giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo kịp thời… Từ nhận thức đó, người đứng đầu doanh nghiệp sẽ truyền đạt và cùng đội ngũ của mình xây dựng kế hoạch triển khai và từng bước thực hiện CĐS có hiệu quả.

Mặt khác, để các doanh nghiệp thực hiện CĐS thành công, về yếu tố khách quan, cần có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (cả phần cứng và phần mềm) phù hợp. Việc sở hữu cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngắn hạn, cũng như dài hạn…

Như vậy có thể khẳng định, Việt Nam chúng ta đã và đang ở Top tiên phong trong việc đưa ra chủ trương, yêu cầu, mục đích thực hiện chương trình CĐS để phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đó là thuận lợi rất cơ bản. Song, bên cạnh đó, thực trạng thiếu sự vào cuộc đồng bộ giữa các chủ thể, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể sẽ là hạn chế trong việc thúc đẩy sự phát triển của CĐS, cũng có nghĩa là hạn chế sự phát triển nhanh hơn của nền kinh tế đất nước trong thời đại số. Hy vọng, điều đó sẽ sớm được khắc phục để thành quả do CĐS mang lại tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của chương trình đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước một cách toàn diện và bền vững hơn trong tương lai.

Một số mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số của Việt Nam đến năm 2030: Duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã ban hành ngày 29/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thông tin chứng khoán

Cập nhật 2024-04-24 17:21

VN-INDEX 1,205.61 28.21 2.40%
HNX-INDEX 227.87 5.24 2.35%
UPCOM-INDEX 88.37 0.86 0.98%
VN30-INDEX 1,232.17 31.80 2.65%
HNX30-INDEX 489.22 17.67 3.75%
Tỉ giá ngoại tệ

Cập nhật 2024-03-21

Name Giá trị Thay đổi
USD/VND 24781 -0.0121%
EUR/VND 26912 -0.5873%
CNY/VND 3442.0712 -0.0155%
JPY/VND 163.5083 0.000234%
EUR/USD 1.086 -0.5677%
USD/JPY 151.62 0.238%
USD/CNY 7.1995 0.0222%
Giá vàng hôm nay

Cập nhật 2022-05-28 04:58

Loại Giá mua Giá bán
DOJI HN 68,500 69,500
DOJI SG 68,500 69,450
Phú Qúy SJC 68,650 69,400
SJC TP HCM 68,500 69,500
SJC Đà Nẵng 68,500 69,520
PNJ TP.HCM 54,100 55,200
PNJ HN 54,100 55,200

Top thành viên

Tag nổi bật