Theo EVS, khu vực tòa nhà VNT Tower (Thanh Xuân) - nơi công ty đặt hệ thống máy chủ - bị cắt điện lưới từ 8h-11h sáng ngày 8/4, khiến đơn vị tòa nhà phải chạy máy phát điện.
Tuy nhiên, đến 8h27, máy phát điện của tòa nhà bất ngờ gặp sự cố không thể tiếp tục hoạt động. EVS đã chuyển sang bộ lưu điện song nguồn điện này chỉ sử dụng đến 9h11 thì cạn kiệt. Hệ quả là hệ thống máy chủ của EVS bị shutdown, dẫn đến việc hệ thống giao dịch của công ty bị gián đoạn.
“Khách hàng của EVS không giao dịch được trong phiên giao dịch buổi sáng (từ 9h11 - 11h30)”, công ty chứng khoán này cho biết, song cũng khẳng định ảnh hưởng của sự cố này đối với thị trường là “không đáng kể”. Đến chiều ngày 8/4, hệ thống của EVS đã hoạt động bình thường trở lại.
Thay đổi trụ sở chính là một trong những nội dung dự kiến sẽ được thảo luận tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 (AGM 2024) sắp tới của EVS. Tính đến cuối năm ngoái, công ty chứng khoán này ghi nhận 4,5 tỷ đồng chi phí công cụ dụng cụ, cải tạo khi chuyển sang trụ sở mới ở số 2A Đại Cồ Việt (Hà Nội).
EVS tiền thân là CTCP Chứng khoán Đại Dương, có quy mô cỡ nhỏ trong hệ thống. Năm 2023, công ty khoản này báo lãi sau thuế giảm 56% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 33,3 tỷ đồng.
Cuối năm ngoái, EVS còn ghi nhận biến động lớn trong cơ cấu cổ đông khi CTCP Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn bán thỏa thuận toàn bộ 32 triệu cổ phiếu EVS đang nắm giữ, tương đương 19,42% vốn công ty.
Tại ngày 31/12/2023, EVS chỉ còn duy nhất 1 cổ đông lớn ‘ra mặt’, là ông Vũ Mạnh Tiến, với tỷ lệ sở hữu ở mức 9,71% vốn điều lệ./.