Phát biểu tại hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước sáng 21/9, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ thường Việt Nam (Techcombank, mã CK: TCB) - đã đưa ra 3 đề xuất để khơi thông dòng vốn trên thị trường trong 4 tháng cuối năm 2024.
Đầu tiên, ông Hồ Hùng Anh cho rằng cần có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, dự thảo Luật chứng khoán có những điều khoản thay đổi quan trọng và sẽ ảnh lớn đến thị trường chứng khoán, thị trường vốn, cũng như tác động bất lợi đến việc huy động vốn của doanh nghiệp.
"Bộ Tài chính cần đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thị trường, doanh nghiệp, người dân và lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội để có điều chỉnh phù hợp, vừa đảm bảo tăng cường sự ổn định của thị trường cũng như tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn một cách bền vững", ông Hồ Hùng Anh kiến nghị.
Thứ hai là nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng bán hàng của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Theo ông Hồ Hùng Anh, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, bất ổn kinh tế, chính trị toàn cầu khiến Techcombank nói riêng và các ngân hàng tại Việt Nam nói chung gặp một số khó khăn bất lợi trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Do vậy, cần có những giải pháp như bổ sung, gia hạn các gói vay vốn với lãi suất thấp, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh trong thời gian qua, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Cùng với đó cần có các chính sách như ổn định thị trường ngoại hối, bổ sung, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), thời gian nộp thuế, kiểm soát các loại chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như chi phí vận tải, xuất nhập khẩu,… nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính.
Cuối cùng, theo ông Hồ Hùng Anh, Chính phủ cần xây dựng và ban hành các hướng dẫn chi tiết và cụ thể về Tín dụng xanh để đảm bảo đồng nhất trong áp dụng và sự công bằng, minh bạch giữa các tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng.
Đồng thời, đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, tạo điều kiện cho các tổ chức doanh nghiệp tham gia thị trường vốn, phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp làm dự án xanh, các cơ chế khuyến khích về thuế và bảo hiểm tín dụng xanh./.