Chủ tịch BIDV: Tăng trưởng tín dụng 16% là thách thức lớn, ngân hàng cần giữ lại lợi nhuận để tăng vốn
15:41 27/02/2025
Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đang đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng, bài toán về vốn vẫn là thách thức lớn, theo Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú.
Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đang đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng, bài toán về vốn vẫn là thách thức lớn, theo Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú.
Thông tin trên được ông Phan Đức Tú – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – nêu tại hội nghị Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước, sáng 27/2.
Theo ông Tú, tổng tài sản của 5 NHTM Nhà nước (gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, MB, BIDV) hiện đạt 10,59 triệu tỷ đồng, chiếm 46,5% tổng tài sản toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Tổng dư nợ tín dụng của nhóm này là 7,726 triệu tỷ đồng, chiếm 49,5% tổng dư nợ nền kinh tế.
"Nếu năm nay, theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đạt 15-16%, chúng tôi sẽ đưa hàng triệu tỷ đồng ra thị trường để hỗ trợ nền kinh tế. Riêng BIDV dự kiến tăng dư nợ thêm 328.000 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên 2,4 triệu tỷ đồng vào cuối năm", Chủ tịch BIDV nói.
Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú (Ảnh: VGP)
Trước thực tế nhu cầu vốn của nền kinh tế ngày càng lớn, ông Phan Đức Tú kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có chiến lược mạnh mẽ để thu hút dòng vốn trung và dài hạn, đặc biệt từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. Đồng thời, cần phát triển ổn định và nâng cấp thị trường chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu, cũng như thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư để tạo động lực tăng trưởng bền vững.
Về phía các NHTM Nhà nước, ông Tú nhấn mạnh nguyên tắc quan trọng nhất để đảm bảo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế chính là năng lực tài chính. Với áp lực cung ứng vốn lên tới 15-16% và có thể cao hơn trong thời gian tới, vốn tự có của các ngân hàng này cần phải tăng lên tương ứng.
Do đó, ông Tú đề nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục cho phép ngân hàng giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ, tương tự như chính sách đã áp dụng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2023.
Bên cạnh đó, Chủ tịch BIDV đề xuất Chính phủ cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là luật hóa các nội dung trong Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém.
Ngoài ra, ông Tú cũng nhấn mạnh sự cấp thiết của việc ban hành cơ chế thử nghiệm sandbox cho các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm./.