"Chốt deal" Nvidia Việt Nam: Hé mở hậu trường đầu tư của Nvidia tại Việt Nam
11:04 07/12/2024
Việt Nam đến thời điểm này đã là một trung tâm, một cứ điểm sản xuất quan trọng của Nvidia trên phạm vi toàn cầu trong dự án nhiều tỷ USD.
Đó là lời khẳng định của ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Francisco (Mỹ) - người thường được biết đến với biệt danh "Đại sứ công nghệ" bởi những nỗ lực nhằm kết nối Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Thung lũng Silicon.
Ông Tuấn là người thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam lần đầu của ông Jensen Huang vào tháng 12/2023, và cũng có mặt trong chuyến thăm Hà Nội sau đó đúng 1 năm của nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Nvidia.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn (phải) bắt tay nhà sáng lập Nvidia Jensen Huang
Theo ông Tuấn, việc kéo được đầu tư từ những ông lớn nghìn tỷ USD luôn là "cuộc cạnh tranh quyết liệt của các quốc gia, cuộc đấu trí quyết liệu của giới công nghệ và các nhà ngoại giao quốc tế".
Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI tại Việt Nam (VRDC) khiến người đứng đầu Nvidia cảm thấy "hoan hỉ". "Hôm nay là một ngày lịch sử của Nvidia, là ngày sinh của Nvidia Việt Nam", ông Jensen Huang nói tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiều 5/12.
Tháp tùng ông Jensen Huang trong chuyến thăm Việt Nam lần này là toàn bộ "bộ não" của đế chế vốn hóa 3.500 tỷ USD, bao gồm: 4 Phó Chủ tịch, Giám đốc AI toàn cầu, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn cho biết, VRDC sẽ là một trong 3 trung tâm nghiên cứu phát triển AI đẳng cấp thế giới của Nvidia, cùng với 1 trung tâm ở Santa Clara (Thung lũng Silicon), một ở Đài Loan.
Cùng với việc thành lập VRDC, Nvidia cũng công bố bổ nhiệm người lãnh đạo trung tâm này là một trong các Phó Chủ tịch của Nvidia. Điều này cho thấy Nvidia thực sự đánh giá cao và tầm quan trọng của VRDC trong hệ sinh thái của tập đoàn.
Ông Tuấn kỳ vọng, với sự ra đời của VRDC, không chỉ các nhân tài của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ sẽ tìm được con đường phát triển sự nghiệp ở ngay trong nước, mà VRDC còn là nơi "hội tụ quần hùng", thu hút các nhân tài khắp nơi trên thế giới về làm việc tại Việt Nam.
Vì sao các “ông lớn” công nghệ e dè lập trung tâm R&D?
Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nhiều “ông lớn” công nghệ dù đã hiện diện hay thu nhiều lợi nhuận ở Việt Nam nhưng vẫn e dè đầu tư vào mảng nghiên cứu và phát triển (R&D).
Chẳng hạn, Samsung đầu tư hơn 20 tỷ USD tại Việt Nam, nhưng đến gần 15 năm sau "chaebol" này mới đặt trung tâm R&D tại Hà Nội, và cơ sở này còn thua xa các trung tâm R&D tại Hàn Quốc và những nơi khác.
Nhiều gã khổng lồ của Mỹ như Google, Meta, Intel, Apple... đã đầu tư, kiếm lợi nhuận, mua hàng tỷ USD tiền hàng từ Việt Nam, nhưng hầu như họ chỉ nghĩ đến việc đầu tư vào sản xuất, bán hàng, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ và chưa tính đến việc xây dựng R&D tại Việt Nam, chưa nói đến chuyện xây trung tâm R&D đẳng cấp thế giới.
"Mấu chốt ở đây và lúc này đối với Việt Nam trong quan hệ với các công ty công nghệ phải là thu hút R&D, có R&D và từ R&D, có nguồn nhân lực, có hệ sinh thái AI... ta sẽ có tất cả", ông Tuấn nhận định.
Theo Đại sứ, trong số nhiều lý do, có 3 lý do chính khiến các công ty công nghệ không mặn mà việc lập các trung tâm R&D.
Đầu tiên là lo ngại về bảo mật và sở hữu trí tuệ. Các công ty sợ mất công nghệ, thuật toán độc quyền tại các quốc gia có luật bảo vệ sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh.
Thứ hai là khó khăn trong tuyển dụng và quản lý nhân tài. Việc tìm kiếm và duy trì đội ngũ nhân tài phù hợp tại nước ngoài có thể phức tạp và không đảm bảo chất lượng đồng đều.
Thứ ba là hạn chế về cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái công nghệ. Quốc gia mà họ nhắm đến đầu tư chưa có cơ sở hạ tầng công nghệ hoặc hệ sinh thái hỗ trợ đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và phát triển AI, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án tiên tiến, phân tán nguồn lực.
Nvidia đầu tư vào Việt Nam bao nhiêu tiền?
Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, tài sản và nguồn lực lớn nhất của các công ty công nghệ được đánh giá bởi nguồn nhân lực. Trong mỗi công ty, công nghệ, bộ phận đầu não, đắt giá nhất là bộ phận nghiên cứu và phát triển.
Tính về giá trị thị trường (Nvidia hiện có giá khoảng 3.500 tỷ USD) và số nhân viên 29.000 người, Nvidia là công ty có số tài sản/đầu người lao động cao nhất và hiệu quả nhất thế giới, khoảng 120 triệu USD/người.
Tại Việt Nam, sau khi thiết lập, VRDC có khoảng 130 nhân viên Nvidia. Nếu tính theo số tài sản trên đầu người, thì Nvidia đang "đầu tư" vào Việt Nam khoảng 15 tỷ USD.
Ông Tuấn cho rằng, cùng với việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam, chắc chắn các nguồn lực, tầm quan trọng, giá trị tài sản vô hình và hữu hình của Nvidia tại Việt Nam sẽ còn tăng lên nhiều lần.
Quan trọng hơn, Nvidia không "đi một mình" mà sẽ có hàng loạt các công ty công nghệ tiếp khác đồng hành cùng Nvidia xây dựng hệ sinh thái AI tại Việt Nam./.
Nội dung liên quan
- Ông chủ Nvidia đi ăn phở Bát Đàn: Thấp thoáng bóng hai con trai ông Phạm Nhật Vượng, có cả Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thủy
- Chủ tịch Nvidia tiết lộ lý do mua VinBrain, là “điểm khởi đầu cho một trung tâm thiết kế tương lai lớn“
- Việt Nam hợp tác Nvidia lập trung tâm R&D và dữ liệu AI
- Nvidia “vào“ Việt Nam thật rồi!
- VinBrain, VinAI làm gì trong chuỗi giá trị VinFast? Vậy sao có chuyện “bán mình“ cho Nvidia