Thứ ba, 02/07/2024, 03:14

Chỉ báo Đường MA: Đơn giản mà hiệu quả

Đường trung bình động (MA-Moving Average) là một công cụ quan trọng trong phân tích kỹ thuật được sử dụng rộng rãi trên thị trường tài chính, giúp xác định được xu hướng chuyển động của thị giá chứng khoán và ứng dụng vào quyết định giao dịch.

Đường trung bình động (MA) là gì?

Đường trung bình động (MA) được hình thành từ các điểm giá trung bình động của chứng khoán. Điểm giá trung bình động của một phiên được tính toán dựa trên chuỗi các mức giá đóng cửa tại phiên đang xét và số lượng xác định các phiên trước đó.

Các dạng đường MA phổ biến

Có 2 dạng đường trung bình động được sử dụng phổ biến là đường trung bình động giản đơn (SMA) và đường trung bình động lũy thừa (EMA). 

Đường trung bình động giản đơn (SMA) hình thành bởi các điểm giá trung bình động được tính theo phương pháp trung bình cộng thông thường, tức lấy tổng các mức giá đóng cửa của các phiên rồi chia cho số lượng các phiên đang xét.

Đường trung bình động lũy thừa (EMA) hình thành bởi các điểm giá trung bình động được tính theo phương pháp phức tạp hơn, phiên nào càng gần với thời điểm cần tính toán hơn thì mức giá đóng cửa của phiên đó sẽ được gán trọng số lớn hơn, và ngược lại sẽ gán trọng số thấp hơn cho các giá đóng cửa cũ hơn. 

Do đó, EMA phản ứng nhanh hơn SMA đối với các thay đổi trong biến động của giá. Vì vậy, đường SMA thường được sử dụng trong chiến lược giao dịch dài hạn hoặc để xác định xu hướng chung của thị trường, còn đường EMA Thường được sử dụng trong giao dịch ngắn hạn hoặc để xác định điểm mua và bán nhanh chóng. Về công thức tính toán, xây dựng đường EMA và SMA cụ thể ta sẽ không nhắc đến ở đây vì hiện nay đã có các công cụ tính toán chỉ báo trực quan do các công ty chứng khoán cung cấp.

Thông số của đường MA

Như đã nói ở trên, điểm giá trung bình động của một phiên được tính toàn dựa trên chuỗi các mức giá đóng cửa bao gồm của phiên đang xét và số lượng xác định các phiên trước đó. Độ dài của chuỗi giá (sau đây sẽ gọi là thông số của đường MA) là tiêu chí để xác định đường MA ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn.

Thông thường, các nhà đầu tư coi đường MA20 là đường ngắn hạn, MA50 là trung hạn và MA200 là dài hạn. Vì sao ở khung chúng ta nên sử dụng các đường MA này? Thông số 20 ngày (MA20) biểu thị thời gian trong vòng 1 tháng giao dịch; thông số MA50 biểu thị thời gian giao dịch 1 quý (1 quý là kỳ công bố Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp; thông số MA100 đại diện cho 2 quý và thông số MA200 đại diện cho 1 năm.

Đường MA có thông số càng nhỏ thì càng bám sát với đồ thị nến.

Đường MA(20), MA(50) và MA(200) của cố phiếu HPG. Nguồn: SSI iBoard, 01/07/2024
Đường MA(20), MA(50) và MA(200) của cố phiếu HPG. Nguồn: SSI iBoard, 01/07/2024

Ứng dụng của đường trung bình động

Đường MA giúp khử nhiễu của đồ thị giá chứng khoán, từ đó dễ dàng quan sát được xu hướng biến động của thị giá.

Ngoài ra, các đường MA giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc xác định các vùng hỗ trợ hay vùng kháng cự.

Áp dụng đường MA trong giao dịch chứng khoán

Chiến lược Giao dịch Điểm cắt MA

Ngắn hạn: Một chiến lược ngắn hạn sử dụng hai MA có thời gian khác nhau, ví dụ MA20 và MA50. Khi MA20 cắt lên trên MA50, đây có thể là tín hiệu mua. Ngược lại, khi MA20 cắt xuống MA50, đây có thể là tín hiệu bán. Điều này cho phép bạn tham gia vào xu hướng ngắn hạn của thị trường.

Dài hạn: Một chiến lược dài hạn có thể sử dụng MA50 và MA200. Khi MA50 cắt lên trên MA200, đây có thể là tín hiệu mua dài hạn. Khi MA50 cắt xuống MA200, đây có thể là tín hiệu bán dài hạn. Điều này giúp bạn tham gia vào xu hướng dài hạn của thị trường.

Chiến lược Giao dịch Đám mây MA

Được xây dựng bằng cách sử dụng hai MA với các khoảng thời gian khác nhau và tạo thành một “đám mây” hoặc vùng màu đặc biệt trên biểu đồ. Ví dụ, bạn có thể sử dụng MA20 và MA50 để tạo đám mây. Khi giá nằm trong đám mây, thị trường thường trong trạng thái không rõ ràng, và bạn có thể tránh giao dịch. Khi giá thoát khỏi đám mây và xuất hiện ở một phía, đó có thể là tín hiệu mua hoặc bán tùy thuộc vào phía mà giá thoát khỏi đám mây.

Chiến lược Giao dịch Điểm cắt và Phá vỡ MA

Trong chiến lược này, bạn tập trung vào việc xác định những điểm cắt và phá vỡ MA quan trọng. Ví dụ, bạn có thể sử dụng MA200 làm ngưỡng cắt và phá vỡ. Khi giá phá vỡ MA200 từ dưới lên và bắt đầu giao dịch ở trên MA200, đó có thể là tín hiệu mua. Ngược lại, khi giá phá vỡ MA200 từ trên xuống và bắt đầu giao dịch dưới MA200, đó có thể là tín hiệu bán.

Chiến lược Giao dịch Hỗ trợ và Kháng cự MA

Sử dụng MA như các mức hỗ trợ và kháng cự cũng là một chiến lược phổ biến. Khi giá tiếp cận MA và bắt đầu đảo chiều khỏi nó, đây có thể là một tín hiệu giao dịch. Ví dụ, nếu giá tiếp cận MA50 và sau đó bắt đầu tăng, MA50 có thể trở thành một mức hỗ trợ. Ngược lại, nếu giá tiếp cận MA50 và sau đó bắt đầu giảm, MA50 có thể trở thành một mức kháng cự.

Chỉ báo MA là một chỉ báo đơn giản và hiệu quả trong phân tích kỹ thuật phục vụ giao dịch chứng khoán. Để tăng hiệu quả sử dụng, nhà đầu tư cần tham khảo thêm các chỉ báo khác bên cạnh MA để thu lại dự báo chính xác nhất. 

Thông tin chứng khoán

Cập nhật 2024-07-06 06:10

VN-INDEX 1,283.04 3.15 0.25%
HNX-INDEX 242.31 0.43 0.18%
UPCOM-INDEX 98.26 0.00 0.00%
VN30-INDEX 1,316.18 5.55 0.42%
HNX30-INDEX 531.65 1.93 0.36%
Tỉ giá ngoại tệ

Cập nhật 2024-07-04

Name Giá trị Thay đổi
USD/VND 25455 0%
EUR/VND 27522 0.2221%
CNY/VND 3502.2431 0.0316%
JPY/VND 157.8311 0.002655%
EUR/USD 1.0812 0.2411%
USD/JPY 161.28 -0.2536%
USD/CNY 7.2682 -0.0289%
Giá vàng hôm nay

Cập nhật 2022-05-28 04:58

Loại Giá mua Giá bán
DOJI HN 68,500 69,500
DOJI SG 68,500 69,450
Phú Qúy SJC 68,650 69,400
SJC TP HCM 68,500 69,500
SJC Đà Nẵng 68,500 69,520
PNJ TP.HCM 54,100 55,200
PNJ HN 54,100 55,200

Top thành viên

Tag nổi bật