Châu Âu hưởng ứng nỗ lực thúc đẩy hòa bình Nga - Ukraine của ông Donald Trump
Sự đồng tình giữa châu Âu và chính quyền ông Donald Trump là một thay đổi lớn so với 6 tháng trước. Khi đó, giới chức châu Âu tỏ ra kinh hãi khi nhóm của ông Trump hứa hẹn sẽ chấm dứt cuộc chiến nhanh chóng vì sợ có thể ông sẽ đạt thỏa thuận với Điện Kremlin bằng cách khiến Ukraine phải chịu thiệt.
Tuy nhiên, giờ đay, giới chức tại nhiều nước đã thừa nhận rằng một lối thoát khỏi cuộc xung đột Nga - Ukraine có vẻ ngày càng trở nên cấp thiết.
Theo Wall Street Journal (WSJ), ông Trump và các cố vấn cấp cao tự tin Ukraine sẽ sớm phải ngồi vào bàn đám phán do gặp phải thất bại trên chiến trường.
Trước công chúng, các quan chức cấp cao của Ukraine khẳng định mục tiêu của họ là giải phóng gần 20% lãnh thổ quốc gia bị Nga chiếm đóng. Lập trường này được người dân Ukraine ủng hộ rộng rãi.
Khảo sát do Viện Xã hội học Quốc tế Kiev tiến hành vào tháng 10 cho thấy chỉ 32% người trả lời sẵn sàng chịu mất một phần lãnh thổ để đổi lấy việc chấm dứt chiến sự và bảo vệ nền độc lập quốc gia. Đa số vẫn phản đối việc từ bỏ phần đất bị chiếm. Tuy nhiên, tỷ lệ từ bỏ đã tăng so với mức 14% ghi nhận một năm trước.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất vẫn là ông Trump sẽ làm cách nào để thuyết phục Nga đình chiến và liệu Tổng thống Vladimir Putin có thành tâm đàm phán hay không.
Đội ngũ cố vấn của ông Trump đã đưa ra nhiều kế hoạch, tất cả đều trái với cách tiếp cận “giúp đỡ Ukraine cho tới khi cần thiết” của đương kim Tổng thống Joe Biden.
Một trong các đề xuất của nhóm ông Trump là Ukraine phải hứa không gia nhập NATO trong 20 năm, đổi lại Mỹ sẽ cung cấp thêm vũ khí để Ukraine ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga trong tương lai.
Tuy nhiên, các đồng minh châu Âu khác của Ukraine chưa chắc sẽ chấp nhận điều khoản này dù có ủng hộ việc đàm phán.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã điện đàm với Tổng thống Putin hôm 15/11, nối lại các cuộc trò chuyện trực tiếp giữa nhà lãnh đạo Nga và phương Tây.
Trong cuộc trò chuyện, ông Scholz hối thúc ông Putin đàm phán với Ukraine để đạt hòa bình lâu dài. Nhưng ông cũng lặp lại quyết tâm của Đức là ủng hộ Ukraine chống lại cuộc tấn công của Nga.
Sau cuộc điện đàm, Điện Kremlin cho biết Moscow luôn sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột. Song, họ cũng ngầm tỏ quan điểm là Kiev nên công nhận những lãnh thổ mà Nga đã giành được ở Ukraine và đảm bảo duy trì tính trung lập trong tương lai./.
Nguồn tham khảo: Doanh nhân Việt Nam