Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

“Cha đẻ” cuốn sách Thế giới phẳng: Chưa bao giờ tôi thấy lo cho tương lai nước Mỹ như lúc này!

16:36 17/04/2025

Từng tự nhận là “Tariffs man”, ở nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng, ông Donald Trump còn mạnh tay hơn trong việc sử dụng công cụ thuế quan, thổi bùng lên cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với nhiều quốc gia. 

Từng tự nhận là “Tariffs man”, ở nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng, ông Donald Trump còn mạnh tay hơn trong việc sử dụng công cụ thuế quan, thổi bùng lên cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với nhiều quốc gia. 

Là cây viết kỳ cựu của The New York Times, nhà báo Thomas L.Friedman - tác giả cuốn sách “Thế giới phẳng” được biết đến rộng rãi tại Việt Nam - mới có bài bình luận sắc sảo về chiến lược  thuế quan của chính quyền Trump trên tờ tạp chí danh tiếng này.

Người viết xin gửi tới các thành viên bản chuyển ngữ của bài viết này. Bài viết đã được ban quản trị DFF.VN biên tập.

Nhà báo Thomas L.Friedman - tác giả cuốn sách “Thế giới phẳng”  (Ảnh: Internet)

Có quá nhiều điều kỳ quái diễn ra hàng ngày dưới thời chính quyền ông Donald Trump. Chúng nhiều đến nỗi một số quyết sách quan trọng - dù rất đáng chú ý - bị che mờ bởi sự hỗn loạn của cuộc chiến thương mại. 

Sắc lệnh hành pháp hỗ trợ ngành khai thác than được ông Donald Trump ký ban hành ngày 8/4 là một ví dụ.

“Chúng tôi đang mang trở lại ngành công nghiệp đã bị bỏ rơi. Chúng tôi sẽ đưa các thợ mỏ trở lại làm việc”, ông Trump tuyên bố. Xung quanh ông chủ Nhà Trắng là những người thợ mỏ đang đội mũ bảo hộ. Họ là những thành viên của một ngành lao động đã giảm từ 70.000 người xuống còn khoảng 40.000 người trong suốt thập kỷ qua, theo Reuters.

Nhấn mạnh thêm ý nghĩa của sắc lệnh mới ký, ông Trump nói: “Các bạn có thể cho họ một căn penthouse ở Fifth Avenue và một công việc khác nhưng họ sẽ không hài lòng. Họ muốn khai thác than. Đó là điều họ yêu thích”.

Thật đáng khen khi ngài Tổng thống tôn vinh những người lao động chân tay nhưng nó cũng cho thấy tư tưởng bảo thủ của ông: Không coi việc làm trong ngành công nghiệp sạch như những “công việc thực sự”. Nhấn mạnh rằng, chỉ riêng trong năm 2023, ngành phong điện của Mỹ đã tạo ra khoảng 130.000 việc làm, trong khi lĩnh vực năng lượng mặt trời tạo ra 280.000 việc làm khác. 

Ông Trump tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai không phải vì ông có kế hoạch giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại trong thế kỷ 21. Động cơ có lẽ là vì ông không muốn ngồi tù và có ý định trả đũa những người đã cố gắng truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với mình.

Tôi đoán rằng ông chưa bao giờ dành ra năm phút để nghiên cứu lực lượng lao động của tương lai.

Ông Trump trở lại Nhà Trắng với những ý tưởng từ thập niên 1970. Tại đây, ông khởi động một cuộc chiến thương mại mà không có đồng minh và không chuẩn bị nghiêm túc - lý do tại sao ông thay đổi thuế quan gần như mỗi ngày - và không hiểu rằng nền kinh tế toàn cầu hiện nay là một hệ sinh thái phức tạp. Ở đó, các sản phẩm được lắp ráp từ các linh kiện từ nhiều quốc gia khác nhau. 

Và rồi, ông để cuộc chiến này được thực hiện bởi một Bộ trưởng Thương mại đang tự huyễn rằng hàng triệu người Mỹ đang khao khát thay thế công nhân Trung Quốc “vặn những con vít nhỏ để làm iPhone.”

Những hành động thiếu chiến lược vừa qua sẽ sớm ảnh hưởng đến tất cả người dân Mỹ. 

Bằng cách tấn công các đồng minh thân cận - Canada, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu - và cả đối thủ lớn nhất: Trung Quốc, trong khi khẳng định ưu tiên Nga hơn Ukraine và thích các ngành công nghiệp năng lượng phá hoại môi trường hơn là những ngành công nghiệp hướng đến tương lai, mặc kệ hành tinh này, ông Trump đang khiến thế giới mất lòng tin nghiệm trọng đối với Mỹ.

Cả thế giới đang nhìn nhận nước Mỹ dưới thời ông Trump đúng như những gì nó đang trở thành: một quốc gia nổi loạn dưới sự lãnh đạo của một kẻ mạnh mẽ và bốc đồng, xa rời nguyên tắc pháp quyền và các giá trị hiến pháp.

Nước Mỹ sẽ ra sao sau các đòn thuế quan của ông Donald Trump?

Hệ luỵ khó lường của các đòn thuế đối ứng

Hãy nhìn sang các nước vốn được xem là đồng minh của Mỹ. 

Đầu tiên, họ không mua trái phiếu Kho bạc Mỹ như trước nữa. Vì vậy, Mỹ phải đưa ra lãi suất cao hơn để thuyết phục họ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế của chúng ta, từ thanh toán xe hơi, các khoản vay thế chấp đến các khoản lãi phải trả từ núi nợ quốc gia. Tất cả đều phải trả giá.

“Liệu việc ra quyết định bất ổn của Tổng thống Trump và thuế nhập khẩu có khiến các nhà đầu tư thế giới quay lưng với đồng đô la và trái phiếu Kho bạc Mỹ?”, tờ Wall Street Journal đặt vấn đề trong bài viết: “Liệu có một ‘Phí Rủi ro Mới’ của Mỹ?”. 

Còn quá sớm để nói, nhưng không quá sớm để lo lắng, khi lợi suất trái phiếu cứ tăng vọt và đồng đô la tiếp tục yếu đi - những dấu hiệu cổ điển của sự mất lòng tin. Chúng không cần phải tăng quá nhiều để gây sốc cho nền kinh tế của chúng ta.

Thứ hai, các đồng minh của chúng ta mất niềm tin vào các thể chế của chúng ta. Financial Times đưa tin rằng Ủy ban điều hành Liên minh Châu Âu đang phát cho một số nhân viên làm việc tại Mỹ những điện thoại di động tạm thời và máy tính xách tay cơ bản để tránh rủi ro gián điệp, một biện pháp trước đây chỉ áp dụng khi đi công tác tại Trung Quốc. Họ không còn tin vào pháp quyền tại Mỹ nữa.

Thứ ba, những người ở nước ngoài bắt đầu nói với bản thân và con cái họ - và tôi đã nghe điều này rất nhiều lần ở Trung Quốc vài tuần trước - rằng có thể không còn là ý tưởng hay nữa khi du học ở Mỹ. Bởi lẽ, họ không biết khi nào con cái mình có thể bị bắt giam tùy tiện; khi nào người thân của họ có thể bị trục xuất đến các nhà tù ở El Salvador.

Liệu điều này có thể đảo ngược không? 

Tất cả những gì tôi biết cho đến hôm nay là, đâu đó, khi bạn đang đọc những dòng này, có ai đó giống như người cha gốc Syria của Steve Jobs, người đã đến Mỹ vào những năm 1950 để lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Wisconsin — người đã dự định học ở Mỹ nhưng giờ đang chuyển hướng, tìm cách sang Canada hoặc Châu Âu.

Bạn thu hẹp tất cả những điều đó — khả năng thu hút những người nhập cư năng động và khởi nghiệp nhất thế giới, điều đã giúp chúng ta trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu; khả năng thu hút một phần không tương xứng trong tổng tiết kiệm toàn cầu, điều giúp chúng ta sống vượt quá khả năng trong nhiều thập kỷ;  và danh tiếng trong việc bảo vệ pháp quyền — và theo thời gian, bạn sẽ có một nước Mỹ nghèo đi, kém tôn trọng và ngày càng bị cô lập.

Chờ đã, chờ đã, bạn nói, nhưng Trung Quốc cũng vẫn đang khai thác than, đúng chứ?

Đúng vậy, nhưng với một kế hoạch dài hạn để dần dần loại bỏ và sử dụng robot để làm những công việc nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe của những người thợ mỏ. 

Đó chính là vấn đề. 

Sau AI, robot hình người sẽ là cuộc chiến công nghệ mới giữa Mỹ và Trung Quốc?

“Cỗ máy kinh tế” 4.0 của Trung Quốc

Trong khi Trump đang thực hiện “show diễn” của mình - nói lan man về những gì ông ta cho là chính sách tốt vào lúc đó - Trung Quốc đang xây dựng những kế hoạch dài hạn.

Năm 2015, một năm trước khi Trump trở thành tổng thống, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó, Lý Khắc Cường, đã công bố một kế hoạch phát triển nhìn xa gọi là “Made in China 2025”. 

Kế hoạch bắt đầu bằng câu hỏi, động lực tăng trưởng nào sẽ là yếu tố chính cho thế kỷ 21?

Bắc Kinh sau đó đã đầu tư khổng lồ vào các yếu tố của động lực đó để các công ty Trung Quốc có thể thống trị các lĩnh vực này cả trong nước và quốc tế. 

Chúng ta đang nói về năng lượng sạch, pin, xe điện và ô tô tự lái, robot, vật liệu mới, dụng cụ máy móc, máy bay không người lái, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo.

Chỉ số Nature mới nhất cho thấy Trung Quốc đã trở thành “quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất nghiên cứu trong cơ sở dữ liệu hóa học, khoa học trái đất và môi trường, và khoa học vật lý, và đứng thứ hai về khoa học sinh học và khoa học sức khỏe.”

Liệu điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ bỏ xa chúng ta? Không. 

Bắc Kinh đang mắc phải một sai lầm lớn nếu nghĩ rằng phần còn lại của thế giới sẽ để Trung Quốc tiếp tục kìm hãm nhu cầu nội địa đối với hàng hóa và dịch vụ để chính phủ có thể tiếp tục trợ cấp cho các ngành xuất khẩu và cố gắng làm mọi thứ cho mọi người — để lại các quốc gia khác bị hủy hoại và phụ thuộc. 

Bắc Kinh cần phải tái cân bằng nền kinh tế của mình và ông Trump đã đúng khi gây sức ép buộc họ phải làm vậy.

Nhưng sự ầm ĩ không ngừng và việc áp đặt thuế quan theo kiểu "bật tắt" của ông Trump không phải là một chiến lược - nhất là khi ông đang đối đầu với Trung Quốc vào năm thứ 10 của “Made in China 2025”.

Nếu Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent thực sự tin rằng Bắc Kinh chỉ đang “chơi với một đôi hai" thì ai đó làm ơn hãy cho tôi biết khi nào Nhà Trắng tổ chức chơi poker, vì tôi háo hức muốn tham gia.  

(Trong poker, "chơi với một đôi hai" (playing with a pair of twos) là một cách nói lóng để chỉ việc đang chơi một ván bài mà chẳng có "cửa" thắng. Vì một đôi hai là "hand" rất yếu, ám chỉ người chơi không có đủ sức mạnh hoặc sự chuẩn bị để chiến thắng, hoặc đang hành động thiếu chiến lược).

Trung Quốc đã xây dựng một “cỗ máy kinh tế” mang lại cho họ nhiều lựa chọn.

Câu hỏi đối với Bắc Kinh — và cả phần còn lại của thế giới — là: Trung Quốc sẽ sử dụng tất cả các khoản thặng dư mà họ đã tạo ra như thế nào? Liệu họ sẽ đầu tư vào việc xây dựng quân đội mạnh mẽ hơn? Liệu họ sẽ đầu tư vào nhiều tuyến đường sắt cao tốc và các con đường sá sáu làn cho những thành phố không cần đến chúng? 

Hay, họ sẽ đầu tư vào tiêu dùng và dịch vụ trong nước, đồng thời đề nghị xây dựng thế hệ nhà máy và chuỗi cung ứng tiếp theo của Trung Quốc tại Mỹ và Châu Âu với cấu trúc sở hữu 50-50? 

Chúng ta cần khuyến khích Trung Quốc đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Nhưng ít nhất Trung Quốc còn có sự lựa chọn.

So với đó, lựa chọn mà ông Trump đang đưa ra là gì? 

Ông Trump đang làm suy yếu pháp quyền thiêng liêng, vứt bỏ các đồng minh của Mỹ. Ông ta đang làm giảm giá trị của đồng USD, xé nát bất kỳ hy vọng nào về sự đoàn kết quốc gia. 

Hãy cho tôi biết ai đang chơi với một đôi hai ở đây (?!).

Nếu không dừng lại hành vi nổi loạn của mình, ông Trump sẽ phá hủy tất cả những điều đã làm cho nước Mỹ mạnh mẽ, được tôn trọng và thịnh vượng.

Chưa bao giờ tôi cảm thấy lo sợ cho tương lai của nước Mỹ như lúc này./.

Thomas L. Friedman (hay Thomas Loren Friedman) là một nhà bình luận chính trị nổi tiếng người Mỹ, cây viết kỳ cựu của tờ The New York Times và đã có 3 lần giành giải thưởng báo chí Pulitzer. Ông là “cha đẻ” của cuốn The World Is Flat: A Brief History of the Twenty-first Century, hay “Thế giới phẳng”.

Trong chuyến công tác tại Việt Nam năm 2014, ông Friedman cho biết cuốn sách “Thế giới phẳng” ra đời dựa trên 4 yếu tố công nghệ đang lên lúc bấy giờ, gồm: Việc sử dụng khá phổ biến máy tính PC trong đời sống xã hội; Sự xuất hiện của mạng Internet giúp kết nối, trao đổi thông tin mọi lúc mọi nơi; Phần mềm xử lý công việc ngày phát huy hiệu quả; Sự xuất hiện của cỗ máy tìm kiếm thông tin khổng lồ Google.

Nhờ 4 nhân tố vừa nêu, thế giới có nhiều thông tin hơn, thông tin được trao đổi qua nhiều người hơn, nhiều nơi khác nhau trên thế giới hơn, với chi phí rẻ hơn và hiệu quả hơn. Thomas L. Friedman đã phát kiến ra khái niệm “Thế giới phẳng” để mô tả thế giới đó./.