Cắt lỗ trong đầu tư chứng khoán: Khi nào và vì sao?

Thứ Tư, 17/7/2024, 16:41 (GMT+7) 3 phút đọc
Cắt lỗ là quy tắc quan trọng giúp nhà đầu tư bảo vệ nguồn vốn và kiểm soát rủi ro, đặc biệt trong các đợt thị trường điều chỉnh mạnh như khủng hoảng tài chính 2008-2009, dịch Covid-19 năm 2020, và lạm phát, chiến tranh năm 2022.

Hiểu đơn giản, cắt lỗ là việc bán cổ phiếu đang giảm giá để thu hồi vốn, nhằm tránh thua lỗ nặng hơn. 

Nhà đầu tư nên cắt lỗ khi thấy thị trường có nhiều biến động lớn khiến cả những cổ phiếu tốt cũng giảm mạnh, hoặc khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có những dấu hiệu sụt giảm.

Nếu nhận định ban đầu về doanh nghiệp là sai, hoặc tìm thấy cổ phiếu khác có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn, thì đó cũng là lúc nên cắt lỗ. Thông thường, nhiều nhà đầu tư chọn bán cổ phiếu nếu giảm 7%-8% so với giá mua vào. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, có thể cắt lỗ sớm hơn ở mức 3%-5%.

Ví dụ, nếu mua cổ phiếu T với giá 54.000 đồng/cổ phiếu và giá giảm còn 50.000 đồng, nhà đầu tư nên cắt lỗ.

Bên cạnh đó, việc cắt lỗ có thể dựa trên phân tích kỹ thuật, sử dụng các đường trung bình động (MA) và chỉ báo Parabolic SAR (một chỉ báo kỹ thuật dựa trên giá và thời gian) để xác định xu hướng và điểm bán.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể đặt lệnh cắt lỗ tự động trên ứng dụng của công ty chứng khoán để quản lý rủi ro, giảm thiểu ảnh hưởng cảm xúc và tiết kiệm thời gian theo dõi thị trường.

Ví dụ, nhà đầu tư mua cổ phiếu H với giá 35.800 đồng/cổ phiếu và đặt lệnh cắt lỗ ở mức 33.000 đồng. Nếu giá giảm dưới 33.000 đồng, số cổ phiếu H mà nhà đầu tư đang nắm giữ sẽ tự động bán ra.

Cắt lỗ đúng thời điểm là kỹ năng quan trọng giúp nhà đầu tư bảo toàn vốn và tìm cơ hội mới hiệu quả hơn. Sử dụng các công cụ và phương pháp phù hợp sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận trong đầu tư chứng khoán./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên