Thứ ba, 20/12/2022, 19:59

Cam kết giảm nhưng bao giờ lãi suất mới thực sự hạ nhiệt?

Lãi suất huy động thực tế hiện vượt 12%/năm và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo các chuyên gia, muốn giảm lãi suất huy động, NHNN cần hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ.

Cam kết nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Sau khi có thông tin đưa lãi suất huy động VNĐ không quá 9,5%/năm tại tất cả kỳ hạn, mặt bằng lãi suất vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Tính đến ngày 18/12, vẫn có khoảng 20 ngân hàng có lãi suất cao nhất trên 9%/năm. Trong đó, mức lãi suất cao nhất đang được niêm yết trên thị trường là 10,5%/năm. Đây là mức lãi suất SaigonBank áp dụng cho các khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng lãnh lãi cuối kỳ.

Đứng thứ 2 là BaoVietBank với mức lãi suất cao nhất tới 10,3%/năm dành cho khách hàng gửi tiền từ ngày 29/11/2022 – 30/1/2023 ở kỳ hạn 15 tháng.

Mức lãi suất cao nhất tới 10%/năm cũng được GPBank áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 100 triệu trở lên tại một số kỳ hạn dài hơn 12 tháng.

Một số ngân hàng cũng có mức lãi suất cao nhất áp sát mức 10%/năm. Đơn cử, SCB (9,95%/năm), NCB (9,9%/năm), PVComBank (9,9%/năm), DongABank (9,85%/năm); BacABank (9,8%/năm); Sacombank (9,8%/năm).

Nhóm ngân hàng có lãi suất cao nhất ở mức 9,5%/năm hiện gồm: NamABank, CBBank, VietCapitalBank, VIB, Techcombank, PGBank, LienVietPostBank.

Thực tế, vẫn có tình trạng “ưu đãi” bên ngoài, tức ngân hàng niêm yết lãi suất huy động thấp hơn lãi suất huy động thực tế. Có một số ngân hàng đang niêm yết mức lãi suất cao nhất dưới 9,5% nhưng nếu đáp ứng được một số điều kiện về lượng tiền gửi tối thiểu, mở thêm tài khoản thanh toán online, thuộc diện ưu tiên,… khách hàng còn nhận được cộng lãi suất.

Chẳng hạn, DongABank huy động lãi suất cao nhất 9,85%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng trở lên. Nhưng ngân hàng này còn cộng thêm biên độ từ 0,7 - 1,1% tùy theo kỳ hạn gửi 6 hay 13 tháng cuối kỳ, dựa vào số tiền gửi. Thậm chí, có ngân hàng hiện chào mức lãi suất huy động thực tế lên đến 12,7%/năm cho kỳ hạn từ 18 tháng.

Ngoài ra, các nhà băng cũng đang đẩy mạnh thu hút tiền gửi dịp giáp Tết bằng cách tặng thêm hàng loạt quà tặng. Chẳng hạn tại Eximbank, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 6-36 tháng trước ngày 31/12 còn được nhận các quà tặng như ly tách, áo mưa, máy làm sữa chua,...

So với cuối năm 2021, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện đã tăng khoảng 3-4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Tuy nhiên, nhiều nhân viên ngân hàng cho biết, mức lãi suất huy động đang được niêm yết sẽ sớm thay đổi theo chiều hướng giảm dần bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các nhà băng giảm lãi suất.

Cần hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, kết thúc cuộc họp ngày 15/12, các ngân hàng đã thống nhất cam kết nghiêm túc thực hiện đồng thuận không đẩy lãi suất huy động vượt 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất).

Theo Tổng thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng, có thể mất vài ngày, các ngân hàng mới triển khai được trên toàn bộ hệ thống kéo lãi suất huy động xuống. Nếu không giảm lãi suất huy động thì khó có thể giảm lãi suất vay, hỗ trợ nền kinh tế trong năm tới.

"Trong những ngày tới, lãi suất huy động ngân hàng nào chưa giảm xuống như mức đã cam kết, hay có chuyện vượt rào chi thêm lãi bên ngoài, ngay cả tặng quà làm vượt quá mức này, VNBA sẽ báo cáo lên cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý”, ông Hùng khẳng định.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp hành chính là khó khả thi trong thời điểm hiện nay. Bởi theo các ngân hàng, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động hiện nay chưa có xu hướng giảm.

Thứ nhất, một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng. Thứ hai, giao dịch tín chấp trên thị trường liên ngân hàng bị hạn chế, các giao dịch hầu như đều bị yêu cầu có tài sản đảm bảo và bị áp tỷ lệ phòng vệ rủi ro quá cao so với thời điểm trước đó. Thứ ba, áp lực thực hiện quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn dẫn đến các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy lãi suất huy động vốn trung dài hạn lên cao hơn. Cuối cùng, các NHTM tham gia thị trường liên ngân hàng không nắm bắt được thông tin của NHTM tham gia, không có thông tin đánh giá ngân hàng đối tác, để cân nhắc, ra quyết định cho vay/gửi tiền tại NHTM khác, dẫn dến có thời điểm một số NHTM gặp khó khăn về thanh khoản và phải nâng lãi suất huy động để đảm bảo thanh khoản.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong cuộc đua lãi suất, các ngân hàng quy mô tầm trung trở lên sẽ thuận lợi hơn những ngân hàng nhỏ. Vì vậy, NHNN cần có biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết, trong cuộc đua huy động vốn, các ngân hàng thương mại nhỏ luôn đưa ra mức lãi suất cao hơn do không có lợi thế về hệ thống, tệp khách hàng. 

Ông Huân cảnh báo việc áp đặt các biện pháp hành chính trong điều hành chính sách lãi suất hiện nay dễ đi theo vết xe đổ của năm 2009 - 2011. Lúc đó, NHNN áp trần lãi suất huy động nhưng một số ngân hàng đã dùng cách chi lãi ngoài cho khách hàng để lách luật, dẫn đến lãi suất tăng cao, bất động sản đóng băng, nợ xấu tăng lên…

Theo ông Huân, muốn giải quyết cuộc đua huy động lãi suất hiện nay, NHNN cần bơm vốn cho những ngân hàng đang mất thanh khoản. Nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân sẽ chảy vào những ngân hàng lớn có uy tín khi mức lãi suất huy động không chênh lệch nhiều giữa các nhà băng. Từ đó dẫn đến tình trạng những ngân hàng nào thiếu vốn lại càng thêm thiếu. Khó tránh khỏi việc huy động bất chấp giá nào.

Cũng theo ông Huân, việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ nếu chỉ áp dụng qua thị trường mở, thị trường liên ngân hàng với kỳ hạn ngắn 1-2 tuần, 1 tháng sẽ không giải quyết được các khó khăn về thanh khoản lâu dài. Chỉ khi các ngân hàng nhỏ được hỗ trợ thanh khoản một cách dài hạn thông qua lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, cuộc đua lãi suất mới có thể chấm dứt. 

Khi NHNN thực hiện bơm vốn cho những nhà băng yếu thanh khoản thì không còn tình trạng chạy đua huy động hút vốn giữa các ngân hàng với nhau nữa. Vấn đề thanh khoản được giải quyết thì tự động lãi suất sẽ giảm.

Còn ông Nguyễn Hồng Khanh - Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán VIS - đánh giá, về lâu dài, tỷ giá là yếu tố quan trọng để giữ mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng ổn định. "Tỷ giá ổn định xong thì sẽ đến lãi suất, hai vấn đề liên thông với nhau. Khi tỷ giá đã ổn rồi thì các vấn đề khác sẽ được giải quyết dễ dàng hơn", ông Khanh nhận định. 

Thông tin chứng khoán

Cập nhật 2024-03-29 19:59

VN-INDEX 1,284.09 6.09 -0.47%
HNX-INDEX 242.58 1.33 -0.55%
UPCOM-INDEX 91.57 0.09 0.09%
VN30-INDEX 1,296.90 6.30 -0.48%
HNX30-INDEX 533.82 4.48 -0.83%
Tỉ giá ngoại tệ

Cập nhật 2024-03-21

Name Giá trị Thay đổi
USD/VND 24781 -0.0121%
EUR/VND 26912 -0.5873%
CNY/VND 3442.0712 -0.0155%
JPY/VND 163.5083 0.000234%
EUR/USD 1.086 -0.5677%
USD/JPY 151.62 0.238%
USD/CNY 7.1995 0.0222%
Giá vàng hôm nay

Cập nhật 2022-05-28 04:58

Loại Giá mua Giá bán
DOJI HN 68,500 69,500
DOJI SG 68,500 69,450
Phú Qúy SJC 68,650 69,400
SJC TP HCM 68,500 69,500
SJC Đà Nẵng 68,500 69,520
PNJ TP.HCM 54,100 55,200
PNJ HN 54,100 55,200

Top thành viên

Tag nổi bật