Dù vậy, đây vẫn là tháng rút ròng thứ 10 liên tiếp của các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam, nâng tổng giá trị rút ròng từ đầu năm lên 21.200 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 10, tổng tài sản các quỹ ETF đạt 58.700 tỷ đồng, giảm 28% so với cuối năm 2023.
SSI Research cho biết, áp lực rút vốn vẫn tập trung nhiều nhất ở Fubon ETF với giá trị 246 tỷ đồng, song quy mô rút vốn của quỹ đã giảm đáng kể so với 5 tháng liền trước.
Trong khi đó, các quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF và SSIAM VNFIN Lead cùng đẩy mạnh rút ròng với giá trị lần lượt đạt 199 tỷ đồng và 141 tỷ đồng, còn quỹ VanEck duy trì cường độ rút với giá trị 92 tỷ đồng trong tháng 10/2024.
Ở chiều ngược lại, quỹ DCVFM VNDiamond tiếp tục ghi nhận xu hướng dòng vốn tích cực với tháng thứ 2 liên tiếp vào ròng với giá trị tăng lên 368 tỷ đồng. Quỹ KIM Growth VN30 cũng duy trì dòng vốn vào tích cực với giá trị 82 tỷ đồng, trong khi quỹ DCVFM VN30 đảo chiều vào ròng nhẹ 18 tỷ đồng sau 2 tháng rút vốn liên tiếp.
"Mặc dù các quỹ ETF ngoại vẫn duy trì trạng thái rút ròng, nhiều ETF nội đã có tín hiệu tích cực hơn giúp cân bằng lại dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có cái nhìn thận trọng đối với dòng vốn ETF và chỉ kỳ vọng dòng tiền có thể sẽ tích cực hơn trong năm 2025", báo cáo của SSI Research nhận định.
Đối với các quỹ đầu tư chủ động, trái với tín hiệu khả quan trong tháng 9, các quỹ này đẩy mạnh rút ròng trong tháng 10 với tổng giá trị lên đến 2.700 tỷ đồng, đến từ cả quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam hay nhóm quỹ đa quốc gia (ngoại trừ nhóm quỹ ở Thái Lan).
Xu hướng trên cũng tương đồng với trạng thái mua/bán ròng của khối ngoại trên thị trường, khi họ bán ròng khớp lệnh 4.400 tỷ đồng trên sàn HOSE./.