Đã có phần tại cảng Lạch Huyện, Maersk và MSC - thông qua các ‘local partner’ - còn muốn bành trướng hơn nữa tại Việt Nam. Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) và Cảng Cần Giờ (TP HCM) cũng được đưa vào tầm ngắm.
Không đứng ngoài cuộc chơi, Công ty CP cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (Gemalink) - công ty liên doanh của CMA Terminals và Gemadept (Mã CK: GMD) - mới đây đã đề xuất làm dự án cảng Cái Mép Hạ (có tổng vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng).
ONE - hãng tàu container lớn thứ 6 thế giới - cũng đã bắt tay với CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã CK: HAH) - công ty sở hữu đội tàu container lớn nhất Việt Nam.
Người viết xin được thống kê lại một số hoạt động của các loạt ông lớn vận tải biển tại Việt Nam đã được công khai trên các phương tiện truyền thông, báo cáo phân tích của công ty chứng khoán, thời gian qua.
Hậu MSC và Maersk 'chia tay', bản đồ hàng hải thế giới ra sao?
Tại báo cáo ngành cảng biển phát hành hôm 25/9, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết việc hợp tác khai thác bến cảng Lạch Huyện 3-4 với PHP và đề xuất đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đối với MSC.
Mà MSC được tin rằng sẽ là hãng tàu độc lập có thị phần lớn nhất thế giới sau tháng 2/2025, khi liên minh 2M giữa họ và Maersk tan rã.
Đây cũng là cột mốc đánh dấu cho sự thay đổi vận tải biển thế giới - vốn đang bước vào kỷ nguyên của các tàu “megamax” (23.000 - 24.000 TEU).
Maersk đã ký thoả thuận thành lập liên minh với Hapag-Lloyd, gọi là “Hợp tác Gemini”, bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2025.
Trong khi đó, ONE, HMM, Yang Ming công bố tiếp tục quan hệ đối tác và đổi tên thành liên minh mới là Premier Alliance, có hiệu lực 5 năm, bắt đầu từ tháng 2/2025.
MSC và Premier Alliance đã công bố quan hệ đối tác mới trên tuyến thương mại Á - Âu, bao gồm 9 tuyến, mở đường cho cuộc cạnh tranh với Gemini và Ocean Alliance.
MSC cũng sẽ hợp tác với ZIM trong vòng 3 năm và tăng cường hoạt động trên các tuyến Thái Bình Dương, gồm 6 tuyến giữa Á-bờ Đông Mỹ, bờ Tây Mexico, các cảng Caribe& các cảng vùng vịnh Mỹ. ZIM tự chủ tuyến đến Tây Nam Thái Bình Dương và cung cấp kết nối đáng kể kết nối từ Việt Nam, Trung Quốc đến bờTây Mỹ. Theo VCBS, 3/6 tuyến này ghé cảng Cái Mép - Thị Vải và 1 tuyến ghé Hải Phòng.
Bạn nghĩ sao về làn sóng này? Hãy để lại ý kiến nhé!
Ai đưa MSC vào Việt Nam?
Theo giới thiệu trên website msc.com, những container MSC đầu tiên được xuất khẩu từ Việt Nam vào năm 2002. Tại thời điểm đó, MSC được đại diện bởi "một đại lý bên thứ ba".
Còn theo tìm hiểu của người viết, gã khổng lồ vận tải biển này chính thức 'vào' Việt Nam từ năm 2008, đánh dấu bằng việc thành lập Công ty TNHH MSC Việt Nam.
Dữ liệu của người viết thể hiện, cơ cấu sở hữu của MSC Việt Nam từng ghi nhận sự góp mặt của một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực cảng biển tại Hải Phòng. Doanh nghiệp ấy cũng đang 'để mắt' tới cảng nước sâu số 9-10 khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)./.