Trong đó, Dolphin định vị ở phân khúc thấp nhất, thuộc nhóm hatckback đô thị; Atto 3 cạnh tranh ở nhóm xe đa dụng (SUV/crossover) cỡ B; còn Seal thuộc phân khúc sedan hạng D. Giá mở bán chính thức 3 mẫu xe này dự kiến sẽ được công bố vào tháng 7/2024, theo Thanh Niên.
Báo Đầu tư dẫn lời ông Võ Minh Lực – Giám đốc điều hành BYD Việt Nam (BYD Việt Nam) – cho biết công ty dự kiến sẽ chính thức cho lăn bánh 3 dòng xe nói trên tại Việt Nam vào ngày 18/7. Cũng theo vị này, BYD đã nghiên cứu thị trường Việt Nam hơn 10 năm qua và luôn xem đây là thị trường quan trọng, nhiều tiềm năng bên ngoài Trung Quốc.
Chọn 3 sản phẩm đầu tay đều là xe thuần điện để ra mắt thị trường Việt Nam, BYD được cho là sẽ gặp không ít thách thức.
Bởi, ô tô điện tại Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu, còn mới mẻ với người dùng. Bên cạnh đó, sẽ là thiếu sót, nếu bỏ qua sự hiện diện của VinFast, với hạ tầng trạm sạc phủ khắp 63 tỉnh, thành.
Nhưng cũng nên biết rằng, trong năm đầu ra mắt, BYD đã chiếm tới 40% thị phần xe điện tại Thái Lan, 44% tại Malaysia. Tại Việt Nam, thương hiệu này dự kiến sẽ phủ sóng hệ thống đại lý ở 20 tỉnh thành lớn và mang đến một hệ sinh thái hoàn chỉnh chứ không chỉ bán 1-2 sản phẩm.
Đáng chú ý, chia sẻ với báo giới, CEO BYD Việt Nam khẳng định chưa đặt nặng chỉ tiêu bán hàng trong năm đầu tiên.
"Nếu mọi thứ phù hợp, khách hàng ưa chuộng và đánh giá tốt thì mục tiêu doanh số lý tưởng trong năm nay vào khoảng 5.000 xe. Trái lại, trường hợp nhiều khách hàng chưa ưng lắm, mục tiêu của hãng sẽ ở mức khoảng 3.000 xe", vị này nói.
BYD là thương hiệu chuyên sản xuất xe điện, pin sạc do tỷ phú Vương Truyền Phúc (Wang Chuanfu) thành lập năm 1995 tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc.
Hồi tháng 5/2023, ông Vương Truyền Phúc đã tới Việt Nam để trao đổi về dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện.
BYD, thực ra, đã hiện diện ở Việt Nam từ cuối năm 2021, thông qua việc xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất máy tính bảng iPad cho hãng Apple tại tỉnh Phú Thọ. Dự án này có tổng mức đầu tư 268 triệu USD, tương đương 6.230 tỷ đồng./.