Nguyễn Huy Bình Thứ Tư, 10/7/2024, 15:47 (GMT+7)
Người theo dõi

Bước tiến mới của ACIT trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhóm ACIT đã nắm vai trò cầm cương tại Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc. Việc ông chủ Trungnam Group Nguyễn Tâm Thịnh rời chiếc ghế quyền lực nhất tại doanh nghiệp dự án càng giúp củng cố thêm hình dung.

Thực ra, CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) đã rót vốn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo từ lâu.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn do họ làm chủ đầu tư đã chính thức đi vào hoạt động hồi tháng 8/2020. Có công suất 25MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, nhà máy điện mặt trời vừa nêu của ACIT có phần “mờ nhạt” so với các dự án quang điện được đầu tư rầm rộ cùng thời, đặc biệt là tại tỉnh Ninh Thuận.

Đến tháng 4/2021, ACIT gây xôn xao khi tuyên bố hoàn tất mua lại 49% cổ phần Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – có công suất 204MW, với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, nằm trên địa bàn các xã Lợi Hải và Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận (hay còn gọi là Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc). Ở thời điểm đó, thương vụ vẫn mang bóng dáng của một khoản đầu tư tài chính.

Tìm hiểu của người viết cho thấy ACIT đã có thêm những bước tiến đáng kể tại dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam, cụ thể hơn là những bước tiến “bên trong” doanh nghiệp dự án: CTCP Điện mặt trời Trung Nam (TNSP).

Bước tiến của ACIT tại Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc
Bước tiến của ACIT tại Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc

Bước tiến của ACIT tại Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc

TNSP mới đây đã công bố nghị quyết của người sở hữu trái phiếu liên quan tới loạt giao dịch chuyển nhượng tổng cộng 20 triệu cổ phần TNSP giữa CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam (TNEG), ông Vũ Nhật Thành và bà Đào Thị Minh Huệ cho bên mua gồm: Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Năng lượng tái tạo Á Châu (viết tắt: NLTT Á Châu); ông Nguyễn Thanh Bình và ông Nguyễn Đăng Khoa.

Sở dĩ giao dịch cần sự chấp thuận của các trái chủ có lẽ là do số cổ phiếu TNSP vừa nêu đang được dùng làm tài sản đảm bảo cho 12 lô trái phiếu mà công ty phát hành vào năm 2019.

Cũng theo nội dung nghị quyết, NLTT Á Châu, ông Nguyễn Thanh Bình và ông Nguyễn Đăng Khoa sẽ tiếp tục dùng 20 triệu cổ phiếu TNSP mà họ nhận chuyển nhượng để làm tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu này.

“Các bên nhận chuyển nhượng có văn bản cam kết/Hợp đồng chuyển nhượng có quy định về việc:

- Chỉ thực hiện chuyển nhượng cổ phần khi có sự chấp thuận của MB

- Cam kết thế chấp lại toàn bộ cổ phần tại MB sau khi nhận chuyển nhượng để đảm bảo nghĩa vụ của Công ty CP MĐT Trung Nam và Công ty CP Kỹ Thuật Công Nghiệp Á Châu tại MB.

- Duy trì các cam kết của Công ty Cổ phần Điện Mặt Trời Trung Nam với MB trong suốt thời gian còn nghĩa vụ trái phiếu”, nghị quyết nêu.

Theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), TNSP hiện còn 12 lô trái phiếu đang lưu hành, với tổng giá trị ở mức 1.800 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này được lưu ký tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – Mã CK: MBB), với lãi suất 10,5%/năm.

Áp lực trả nợ trái phiếu của TNSP – mà bản chất là áp lực trả nợ của giới chủ đứng sau – thực ra, cũng không gấp. Bởi, 1.800 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của công ty này có thời gian đáo hạn từ năm 2026-2028.

Nhưng dẫu có vậy, những biến động sở hữu tại một doanh nghiệp đang “nặng nợ” có liên quan đến tên tuổi của Trungnam Group như TNSP vẫn gây nhiều chú ý.

Toát lên từ tên gọi, NLTT Á Châu - theo tìm hiểu của người viết - do ACIT sáng lập và hiện nắm giữ 100% vốn.

Nhắc lại rằng, ACIT từng tuyên bố mua lại 49% cổ phần Nhà máy điện mặt trời Trung Nam vào tháng 4/2021. Dữ liệu của người viết cũng ghi nhận việc doanh nghiệp này từng thế chấp 49 triệu cổ phần TNSP tại MB – chi nhánh Sài Gòn trong cùng khoảng thời gian.

“Tiếng nói” của ACIT tại TNSP có thể đã vượt xa lượng cổ phần nêu trên. Bởi, trong một diễn biến đáng chú ý, cuối tháng 8/2023, trái chủ đã chấp thuận cho TNEG chuyển nhượng 31 triệu cổ phần TNSP cho bà Trần Thị Ngoan, để góp vốn vào NLTT Á Châu.

Còn theo dữ liệu của người viết cập nhật tại ngày 13/5/2024, ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1981) đã thay ông chủ Trungnam Group Nguyễn Tâm Thịnh làm Chủ tịch HĐQT TNSP. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Khoa (SN 1981) đảm nhiệm vị trí Giám đốc, đứng đầu ban điều hành.

Khá trùng hợp, thị trường từng ghi nhận hai vị lãnh đạo cấp cao của ACIT cũng tên Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Đăng Khoa, cùng sinh năm 1981.

Sẽ không lạ, nếu họ cũng chính là các thể nhân tham gia vào thương vụ nhận chuyển nhượng 20 triệu cổ phần TNSP đã nêu ở đầu bài viết, bên cạnh NLTT Á Châu.

Thành lập vào tháng 11/2006, ACIT là một trong những nhà thầu lớn của ngành điện, chuyên sản xuất tủ điện, trạm điện và cung cấp giải pháp thiết bị trọn bộ cho các trạm biến áp truyền tải, phân phối điện cũng như các hệ thống điện cho khu công nghiệp.

ACIT cũng chính là đơn vị cung cấp toàn bộ thiết bị công nghệ cho dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500 kV kết hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW của Trungnam Group. Dự án này được khởi công vào tháng 5/2020 với quy mô 557 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ACIT cũng cung cấp thiết bị điện cho một số công trình dự án lớn như: Nhà máy ôtô Vinfast, Nhà máy Samsung Bắc Ninh, Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, Tòa nhà Quốc Hội, trụ sở Bộ Ngoại giao, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai,…

Không chỉ các đơn vị tư nhân, ACIT cũng là nhà thầu quen mặt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các thành viên trực thuộc./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên