BRICS mạnh cỡ nào?
15:22 24/10/2024
Trải qua 18 năm hoạt động, BRICS tới nay đã mở rộng lên tới 10 quốc gia thành viên và chiếm gần 50% dân số thế giới. Khối này cũng đang chứng tỏ được sức ảnh hưởng lên nền kinh tế thế giới khi đóng góp khoảng 37% GDP toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đang có chuyến công tác tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024.
Với chủ đề “BRICS và Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn", Hội nghị các nhà lãnh đạo các quốc gia theo định dạng BRICS+ sẽ tập trung trao đổi về hợp tác giữa các nước BRICS và Nam bán cầu trong giải quyết các vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế, trong đó có tình hình khu vực và quốc tế, phát triển bền vững, an ninh lương thực và năng lượng.
Thành lập từ năm 2006, đến nay, BRICS có tổng cộng 10 thành viên và chiếm gần 50% dân số thế giới. Khối này đang dần trở thành một tập hợp lực lượng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có quy mô lớn nhất thế giới cùng tiềm lực ngày càng to lớn, hướng đến mục tiêu trở thành một tổ chức đa phương có uy tín và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng.
Đáng chú ý, BRICS hiện có 2 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; 6 thành viên G20; nhiều thành viên là các nước tầm trung.
Về quy mô kinh tế, BRICS quy tụ được nhiều nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển năng động.
Đến nay, BRICS đóng góp khoảng 37% GDP toàn cầu (tính theo sức mua tương đương), chiếm gần 50% dân số toàn cầu, 49% sản lượng lúa mỳ, 43% sản lượng dầu mỏ toàn cầu và 25% xuất khẩu hàng hóa của thế giới.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tăng trưởng của khối này năm 2024 được dự báo là 4%, so với 1,7% của G7 và 3,2% trên toàn cầu.
Điều ấn tượng là trong số các thành viên BRICS thì Trung Quốc có GDP theo sức mua tương đương (PPP) đứng đầu thế giới với quy mô 35.000 tỷ USD.
Ấn Độ chiếm vị trí thứ ba với 14.600 tỷ USD, còn Nga đứng thứ tư với 6.450 tỷ USD (số liệu của WB tháng 4/2024).
Đồng thời, quy mô và sức mạnh kinh tế của BRICS được tăng cường với việc thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) vào năm 2014. Ngân hàng này hoạt động như một nền tảng hợp tác quốc tế, nhằm củng cố vị thế của các nước trong nhóm và đại diện cho lợi ích của họ.
Kể từ năm 2018, NDB tài trợ tổng cộng 33 tỷ USD cho 98 dự án ở 5 quốc gia thành viên ban đầu và mở rộng thành viên sang bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Ai Cập và Bangladesh.
Ngoài ra, các nước thành viên BRICS đang đứng đầu về giá trị trữ lượng tài nguyên, khoáng sản và nằm ở các cửa ngõ giao thương lớn, có vị trí chiến lược kết nối giao thông với các châu lục khác.
Theo nghiên cứu về giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, than đá, gỗ, khoáng sản và các tài nguyên khác, Nga đứng đầu thế giới với 75.000 tỷ USD, Saudi Arabia đứng thứ 3 (34.400 tỷ USD), Iran đứng thứ 5 (27.300 tỷ USD), Trung Quốc đứng thứ 6 (23.000 tỷ USD), Brazil đứng thứ 7 (21.800 tỷ USD)./.