"Bóng ma" nợ xấu quay lại "ám" hệ thống ngân hàng Ấn Độ
09:01 31/12/2024
Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trở lại sau khi chạm mức thấp nhất trong nhiều năm. Nguyên nhân là do giá trị tài sản tăng cao, gánh nặng nợ công, và các xung đột địa chính trị kéo dài, tạo ra rủi ro cho sự ổn định tài chính.
Báo cáo Ổn định Tài chính của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) công bố ngày 30/12 dự báo, tỷ lệ nợ xấu gộp (GNPA) của các ngân hàng có thể tăng lên 3% vào tháng 3/2026, so với mức 2,6% vào tháng 9/2024.
Trong phần mở đầu của báo cáo, Thống đốc RBI Sanjay Malhotra nhận định triển vọng kinh tế trung hạn của Ấn Độ đang đối mặt nhiều thách thức do căng thẳng địa chính trị, biến động thị trường, và gánh nặng nợ ngày càng lớn.
Ngoài ra, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của hệ thống ngân hàng Ấn Độ cũng được dự báo giảm nhẹ, từ mức 16,6% vào tháng 9/2024 xuống còn 16,5% vào tháng 3/2026 trong kịch bản cơ bản.
Tuy nhiên, RBI cho biết các bài kiểm tra sức chống chịu (stress test) cho thấy mức vốn của hệ thống ngân hàng và các công ty tài chính phi ngân hàng vẫn vượt xa yêu cầu quy định, ngay cả trong những kịch bản bất lợi.
Sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế trong quý 3 đã đặt ra thách thức về chất lượng tài sản của các ngân hàng. Tăng trưởng GDP của Ấn Độ dự báo sẽ giảm xuống 6,6% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025, so với mức hơn 8% mỗi năm trong ba năm qua. Tăng trưởng chậm lại có thể làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp và thu nhập hộ gia đình, khiến người vay gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ./.
Nguồn tham khảo: Bloomberg