Người theo dõi

"Bốc hơi" 30 điểm trong 15 phút, chuyện gì đã xảy ra với VN-Index phiên 17/7?

Thứ Tư, 17/7/2024, 18:02 (GMT+7) 3 phút đọc
Áp lực bán tăng vọt trong 30 phút cuối phiên 17/7 khiến VN-Index "rơi tự do" từ ngưỡng 1.290 điểm xuống dưới 1.260 điểm trong sự "ngỡ ngàng" của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư chứng khoán hôm nay (17/7) được ví như vừa tham gia một chuyến "tàu lượn siêu tốc" đầy cảm xúc.

Trong phiên sáng, thị trường mở cửa với sắc xanh tăng điểm, rồi giằng co quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch. Đầu phiên chiều, VN-Index bắt đầu đi lên nhờ lực kéo của nhóm cổ phiếu ngân hàng, có thời điểm vượt qua mốc 1.290 điểm.

Tuy nhiên, áp lực bán bất ngờ tăng vọt sau 14h15. Chỉ trong ít phút, chỉ số đại diện sàn HOSE "rơi tự do" hơn 30 điểm, từ ngưỡng 1.290 xuống dưới 1.260 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng thu hẹp đà tăng trước áp lực bán dâng cao.

Kết phiên, VN-Index giảm hơn 12,5 điểm (-0,98%) xuống 1.268,66 điểm – mức thấp nhất kể từ phiên 1/7. Thanh khoản thị trường tăng vọt với tổng giá trị giao dịch đạt gần 33.500 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản riêng sàn HOSE đạt hơn 29.300 tỷ đồng.

Với diễn biến trên, nhiều nhà đầu tư tỏ ra bất ngờ khi thị trường chứng khoán lại có thể đảo chiều nhanh đến vậy. Họ có cùng một câu hỏi là "chuyện gì đã xảy ra với VN-Index".

Đến ngày đáo hạn phái sinh

Ngày mai (18/7) sẽ là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh. Thị trường thường có sự biến động mạnh trước ngày này.

Theo đó, thời điểm đáo hạn phái sinh là lúc những nhà đầu tư thể hiện vị thế của mình. Với lợi thế giao dịch 2 chiều và có khả năng gia tăng lợi nhuận ngay cả khi thị trường giảm, nó được nhiều người lựa chọn để đầu tư.

Trong thời điểm đáo hạn, khối tự doanh công ty chứng khoán trường có xu hướng bán mạnh nhằm kiếm lời từ sự chênh lệch chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai VN30. Đây có thể là nguyên nhân khiến thị trường đột ngột rơi tự do trong phiên giao dịch hôm nay.

Lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng đồng loạt tăng 

Từ đầu tháng 7 đến nay, thị trường đã ghi nhận 11 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank, KienLong Bank, và mới nhất là VPBank.

Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền Đồng của các ngân hàng. 

Vì vậy, việc các ngân hàng thương mại tăng lãi suất sẽ vừa thu hút dòng tiền gửi tiết kiệm, vừa ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, gây ra tình trạng “xả hàng” trên thị trường. 

Một loạt mã cổ phiếu vốn hóa lớn “giảm sâu”

Thị trường chứng khoán hôm nay cũng ghi nhận một loạt những mã cổ phiếu vốn hóa lớn có mức giảm sâu, thậm chí về sàn. Trong nhóm VN30 hôm nay ghi nhận 17 mã chìm trong sắc đỏ, với 2 mã giảm sàn, bao gồm POW và GVR. Trong đó, vụ việc khởi tố 4 bị can liên quan đến tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Tập đoàn Cao su Việt Nam đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, khiến giá cổ phiếu quay đầu giảm đột ngột từ đỉnh lịch sử. 

Chia sẻ
Báo cáo
Q
Anh Quân Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên