Bỏ room tín dụng là bước đi phù hợp với xu thế quốc tế, giúp nâng cao tính chủ động cho các ngân hàng. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là thả nổi tín dụng. Chưa kể hệ thống ngân hàng Việt Nam còn đang tồn tại những đặc thù rất riêng.

Dẫn lời trên Tuổi Trẻ Online, TS Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam – cho biết hạn mức tín dụng (room tín dụng) từng là van điều tiết quan trọng: “Trong 20 năm qua, "room tín dụng" đã góp phần kiểm soát tăng trưởng tín dụng, ổn định lạm phát và tỉ giá”.
Cho rằng trong trung hạn, Việt Nam cần tiến đến bỏ room để điều hành tiền tệ theo hướng thị trường nhưng theo vị chuyên gia, nhà điều hành đồng thời phải khống chế tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý so với quy mô GDP.
"Việc loại bỏ room tín dụng không có nghĩa là cho phép tăng tổng nợ của nền kinh tế một cách thoải mái. Cần phải đảm bảo kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng phù hợp, tránh gây lạm phát hoặc bất ổn vĩ mô", ông Bình nhấn mạnh.
Theo đó, tỷ lệ tín dụng/GDP hiện đã ở mức 134%, thuộc nhóm cao trong khu vực và nếu tiếp tục tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường vốn. Đó cũng chính là mối lo mà Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mới cảnh báo trước Quốc hội: "Nếu chúng ta tiếp tục dựa vào nguồn vốn ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống và có thể gây hệ lụy cho nền kinh tế".
“Bỏ room không đồng nghĩa để tín dụng tăng trưởng "phi mã", ngoài kiểm soát” cũng là khuyến nghị được ông Lê Văn Thành, chuyên gia đến từ WiGroup, đưa ra.
VnEconomy dẫn phân tích của TS.Ngô Minh Hải, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh, cho hay: "Ở Việt Nam hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực thi chính sách tiền tệ đa mục tiêu, vì thị trường tài chính của Việt Nam không hoàn chỉnh, nền kinh tế lệ thuộc nghiêm trọng vào vốn tín dụng, nên việc bỏ trần tín dụng tạo ra rất nhiều rủi ro".
Ông Hải cũng cho biết một đặc thủ rất riêng của NHNN Việt Nam, so với NHTW của các nước trên thế giới: Ngân hàng Trung ương ở các nước phát triển như Mỹ (Fed), châu Âu (ECB), Anh (BoE)... đều là những cơ quan hoàn toàn độc lập về chính sách với Chính phủ. Họ chỉ tập trung vào ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính – tiền tệ chứ không có trách nhiệm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trực tiếp.

Ảnh chụp màn hình bản tin trích dẫn trên BBW.
Dù vậy, "pháo lệnh" bỏ room tín dụng đã được phát đi! Nhà điều hành - mà trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước - sẽ phải cân đối nhiều biến số, trong đó có cả vấn đề tín nhiệm hệ thống.
Bloomberg Business Week Vietnam (bbw.vn), trong một bản tin có nêu dẫn nguồn từ Ấn phẩm Phát triển xanh, đã trích lời ông Willie Tanoto, Giám đốc cấp cao của tổ chức xếp hạng Fitch Ratings, bày tỏ mối quan ngại.
"“Chúng tôi đánh giá chất lượng tài sản của hầu hết các ngân hàng Việt Nam thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu mà họ công bố. Điều này đến từ việc tăng trưởng tín dụng đã ở mức cao và tiêu chuẩn thẩm định tín dụng đôi khi còn khá gay gắt,” ông Tanoto viết. "Còn phải chờ xem Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng những biện pháp nào khác để quản lý rủi ro tín dụng nếu hạn mức tín dụng được bãi bỏ.”" - trích bản tin mà bbw.vn dẫn.
Vị đại diện Fitch Raings cũng cho biết thêm qua thư điện tử: “Đòn bẩy của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam hiện đã cao và không còn bền vững nếu tiếp tục gia tăng. Nếu việc tăng trưởng tín dụng mà không đi kèm các hàng rào kiểm soát rủi ro, sẽ có thể gây áp lực lên việc đánh giá của chúng tôi về ngành ngân hàng Việt Nam”./.