Bộ trưởng Trần Hồng Minh lưu ý lãnh đạo các đơn vị cần tiếp tục duy trì tiến độ trên công trường, không chủ quan. Những dự án nào có mốc tiến độ trong năm 2025 cần tập trung tối đa nhân lực, vật lực để hoàn thành, góp phần đảm bảo mục tiêu cả nước có 3.000km cao tốc vào năm 2025.
Ban Quản lý dự án 7 đã và đang thi công 6 dự án; trong đó, có 2 dự án thuộc giai đoạn 2017 - 2020 là cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Hiện đơn vị đang thực hiện thanh quyết toán và bổ sung trạm dừng nghỉ.
Đối với 2 dự án cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 đang thi công là Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang. Ban Quản lý Dự án 7 cùng các nhà thầu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2025 như chỉ đạo.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án 7 được giao chuẩn bị 4 dự án; trong đó, có 3 dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công và một dự án vốn PPP (mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận).
Đối với các dự án do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận triển khai, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban cho biết, đơn vị đang thi công 6 dự án; trong đó, có 3 dự án sẽ hoàn thành trong năm 2025 gồm: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ và dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Các dự án đang thi công còn lại gồm cầu Rạch Miễu 2, dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, dự án Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 đang hoàn thành thủ tục để chuẩn bị khởi công. Các dự án đều đang được nhà thầu tập trung thi công, bám sát tiến độ và vượt kế hoạch đề ra với dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, cầu Rạch Miễu 2.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng đang chuẩn bị đầu tư các dự án như: dự án cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn hai đầu cầu; dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; dự án nâng cấp mở rộng tuyến N2 đoạn Đức Hòa - Mỹ An…
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các chủ đầu tư bám sát tiến độ thực hiện dự án, xử lý ngay các bất cập, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao.
Cụ thể, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải điều chỉnh phân khai dự toán cơ cấu chi trên hệ thống Tabimis đối với từng dự án (nếu cần), bảo đảm giải ngân hết số kế hoạch vốn được kéo dài từ năm 2023 sang năm 2024 còn lại trước ngày 31/12 theo quy định.
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần phân công lãnh đạo, theo dõi, tăng cường tần suất kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện trong từng tuần, bám sát tiến độ thực hiện dự án, xử lý ngay các tồn tại bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án được giao quản lý.
Đối với Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải hàng tháng để chỉ đạo các giải pháp điều hành, xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Cũng theo thống kê của Vụ Kế hoạch - Đầu tư, ước tính đến hết tháng 11/2024, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân 51.200 tỷ đồng, đạt gần 68% kế hoạch vốn được giao./.
Nguồn: TTXVN
Nội dung liên quan
- Phó Thủ tướng: Cần tăng tỷ lệ vốn góp Nhà nước tại các dự án PPP để thu hút nhà đầu tư
- Khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển tuyến metro 72 tỷ USD tại Hà Nội và TP. HCM trước 8/11
- Ngày 13/11, trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
- Dự kiến tên của 5 Bộ mới sau khi sắp xếp, hợp nhất