Theo chính phủ Ấn Độ, sự trỗi dậy của các loại tiền điện tử tư nhân đã gây ra nhiều mối lo ngại về khả năng gian lận, lạm dụng và những bất ổn trong hệ thống tài chính. Đặc biệt, các vấn đề xoay quanh stablecoin – vốn được gắn với giá trị của tiền pháp định (thường là USD) để giảm thiểu biến động – cũng được thảo luận về độ tin cậy.
Một quan chức cấp cao thẳng thắn chia sẻ: “CBDC có thể làm bất cứ điều gì mà tiền điện tử làm. CBDC có nhiều lợi ích hơn tiền điện tử cũng như loại bỏ những rủi ro liên quan".
Theo đó, vị quan chức cũng tuyên bố rằng, stablecoin không ổn định như vẻ bề ngoài của nó. CBDC sẽ cung cấp một giải pháp thay thế đáng tin cậy hơn nhiều cho các hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, việc so sánh CBDC với Bitcoin và Ethereum đã bị chỉ trích bởi nhiều doanh nhân đầu ngành.
“CBDC và tài sản tiền điện tử phục vụ các mục đích khác nhau và không nên được coi là đối thủ cạnh tranh. Thay vào đó, chúng bổ sung cho nhau”, ông Sumit Gupta, CEO của sàn giao dịch tiền điện tử Ấn Độ CoinDCX bày tỏ quan điểm trên X (Twitter cũ).
“Bằng cách tận dụng những tiến bộ trong không gian tiền điện tử, chúng ta có thể nâng cao hiệu quả, bảo mật và tính bao trùm của CBDC”, ông giải thích.
Bất chấp quan điểm này, quyết định cuối cùng về việc có nên cấm hoàn toàn tiền điện tử ở Ấn Độ hay không vẫn đang chờ tham vấn.
Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ khẳng định rõ ràng rằng chính phủ có khuôn khổ pháp lý để áp đặt các quy định chặt chẽ hơn hoặc thậm chí là lệnh cấm hoàn toàn.
Thực chất, việc xúc tiến cho CBDC của Ấn Độ đã được bắt đầu vào tháng 11/2022. Tính đến nay đã thu hút được hơn 5 triệu người dùng và có sự tham gia của 16 ngân hàng lớn. Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI) gần đây đã thử nghiệm việc cho vay thông qua CBDC trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tiền điện tử tại Ấn Độ đã trải qua nhiều thay đổi về quy định. Giao dịch tiền điện tử đã trở lại vào năm 2020 khi Tòa án Tối cao bãi bỏ lệnh cấm giao dịch tiền điện tử vào năm 2018.
Tuy nhiên, kể từ đó, Ấn Độ đã tuân theo chính sách thuế khá nghiêm khắc khi phân loại tiền điện tử là Tài sản kỹ thuật số ảo (VDA), áp thuế lãi 30% đối với tài sản kỹ thuật số, gấp 2,5 lần thuế đánh vào cổ phiếu được nắm giữ từ một năm trở lên. Doanh số bán tiền điện tử bị đánh thuế ở mức 1% trên tổng giá trị giao dịch./.
Nguồn tham khảo: BeInCrypto