Lê Giang Thứ Ba, 18/3/2025, 16:03 (GMT+7)
Người theo dõi

Bị khối ngoại xả ròng 5.000 tỷ đồng, vốn hóa "bốc hơi" 1,2 tỷ USD, chuyện gì đang xảy ra với cổ phiếu FPT?

Từng liên tục lập đỉnh trong năm 2024, nhưng bước sang 2025, cổ phiếu FPT dần mất phong độ khi thị giá suy giảm và chịu áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại, với quy mô lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên.

Diễn biến giá cổ phiếu FPT

Chốt phiên giao dịch hôm nay (18/3), cổ phiếu FPT đóng cửa ở mức 130.000 đồng/cp, đứng giá so với tham chiếu. Đây đã là phiên thứ 3 liên tiếp mã bluechip này không tăng điểm, qua đó rớt xuống vùng đáy 4 tháng.

Tính từ đầu năm, thị giá của FPT đã giảm 14,4%, kéo theo vốn hóa doanh nghiệp "bốc hơi" 32.363,6 tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ USD.

Không chỉ giảm giá, FPT còn chịu áp lực bán ròng dữ dội từ nhà đầu tư nước ngoài. Kết phiên 18/3, khối ngoại tiếp tục rút ròng 332,7 tỷ đồng, đánh dấu phiên bán ròng thứ 10 liên tiếp đối với mã cổ phiếu này.

Tính lũy kế từ đầu năm, cổ phiếu công nghệ này đã bị khối ngoại xả ròng hơn 5.190 tỷ đồng, trong đó đỉnh điểm là phiên 14/3 với giá trị bán ròng lên đến gần 650 tỷ đồng.

Chia sẻ tại chương trình Khớp lệnh mới đây, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) - cho rằng, đà tăng giá của cổ phiếu FPT nói riêng và cổ phiếu công nghệ Việt Nam nói chung trong những năm gần đây gắn rất chặt với xu hướng cổ phiếu công nghệ tại Mỹ, đặc biệt là nhóm Magnificent 7 ( Apple, Microsoft, Google, Amazon, Meta, Tesla và Nvidia).

Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm 2024 và đầu 2025, "cơn sốt" trí tuệ nhân tạo giá rẻ như DeepSeek và nhất là định giá nhóm cổ phiếu công nghệ tại Mỹ và Việt Nam lên mức rất cao đã tạo ra áp lực chốt lời mạnh mẽ.

Ông Sơn cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, Nvidia và các cổ phiếu trong nhóm Magnificent 7 đều đã rơi xuống dưới đường trung bình động 200 ngày (MA200). FPT đến cuối tuần vừa qua cũng lần đầu tiên nằm dưới MA200 sau một giai đoạn tăng giá (uptrend) kéo dài hàng năm.

"Xu hướng này do hai yếu tố: Định giá cổ phiếu lên rất cao sau khi tăng trưởng nóng trong hai năm (P/E lên gần 30 lần còn P/B lên sát 7,5 lần) và nhà đầu tư nước ngoài giảm tỷ trọng sau giai đoạn tăng nóng", ông Sơn nói.

Với xu hướng bán ròng của khối ngoại hiện tại, chuyên gia VPBankS cho rằng đà giảm của cổ phiếu FPT có thể duy trì trong ngắn hạn và nhà đầu tư cần theo dõi thêm các điểm hỗ trợ, chẳng hạn như 120.000 đồng/cp./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên