Tổ hợp Times Square của Vạn Thịnh Phát
Cụ thể, ngày 24/8/2007, CM Telecom International đã ký kết thoả thuận mua lại cổ phần Larkhall Holdings Limited từ Asia Castle Development Limited – pháp nhân có trụ sở tại British Virgin Islands do ông Chu Nap Kee (Chu Lập Cơ; phu quân của bà Trương Mỹ Lan) nắm quyền sở hữu (beneficial owner) - với giá 2,5 tỷ đô la Hồng Kông (khoảng 8.000 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). Số tiền này sẽ được CM Telecom International huy động từ việc vay nợ, phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi.
Larkhall Holdings Limited được cho là gián tiếp sở hữu các lô đất tại số 22-36 đường Nguyễn Huệ và số 57-69F đường Đồng Khởi, quận 1, Tp.HCM. Để dễ hình dung, các lô đất “kim cương” tại vùng lõi Tp. HCM này là nơi toạ lạc của hai toà tháp thuộc khu phức hợp Times Square gắn liền với tên tuổi của tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
“CBRE, nhà định giá tài sản độc lập chuyên nghiệp, định giá tài sản (của Larkhall Holdings Limited) tại Việt Nam tính đến ngày 30/7/2007 ở mức 328.000.000 đô la Mỹ (tương đương 2.558.400.000 đô la Hồng Kông)”, CM Telecom International cho hay.
Tuy nhiên, thương vụ này được ‘phanh’ lại sau đó ít tháng – khi cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ lan ra toàn cầu. Cụ thể, CM Telecom International đã ký kết các văn bản thanh lý hợp đồng mua bán cổ phần Larkhall Holdings Limited vào ngày 4/12/2007.
CM Telecom International được thành lập vào năm 1990, tiền thân là một công ty viễn thông hoạt động tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Những cái tên từng nắm cổ phần chi phối doanh nghiệp này có thể kể đến như: Oriental Base Holdings Limited; Marvel Bonus Holdings Limited (Marvel Bonus) và Charm Success Group Limited.
Qua nhiều đời chủ, bản thân CM Telecom International từ năm 2014 đến nay cũng không ít lần ‘thay tên đổi họ’, từ Ground Properties Company Limited, đến Ground International Development Limited và nay là Hua Yin International Holdings Limited. Công ty này cũng đẩy mạnh đầu tư sang lĩnh vực bất động sản.
Trước khi khởi động ‘game’ thâu tóm Larkhall Holdings Limited – chủ sở hữu các lô đất phát triển tổ hợp Times Square Saigon, CM Telecom International cũng chỉ vừa dứt mạch thua lỗ, quy mô tài sản còn khiêm tốn so với giá trị thương vụ.
Cụ thể, trong niên độ tài chính năm 2017, CM Telecom International ghi nhận doanh thu ở mức 649,6 triệu đô la Hồng Kông; đồng thời báo lãi 71,8 triệu đô la Hồng Kông. Ba năm trước đó, giai đoạn 2004-2006, công ty này đều báo lỗ.
Tại ngày 31/3/2007, tổng tài sản của doanh nghiệp này ở mức 400,6 triệu đô la Hồng Kông. Khi ấy, CM Telecom International do Marvel Bonus nắm chi phối, với tỷ lệ sở hữu ở mức 66,16% vốn.
Marvel Bonus của ai?
Tính đến tháng 8/2007, cơ cấu sở hữu của Marvel Bonus bao gồm: Shanghai Assets (BVI) Limited và Integrated Asset Management (Asia) Limited.
Trong đó, Shanghai Assets (BVI) Limited được sở hữu bởi một doanh nhân có tiếng trong giới tài chính Hồng Kông, là ông Ding Pengyun (hay Ting Pang Wan Raymond, tức Đinh Bằng Vân).
Tìm hiểu của người viết cho thấy, ông Đinh Bằng Vân có kinh nghiệm kinh doanh khá phong phú.
Ông Vân là nhà sáng lập Madison Holdings Group Limited; từng làm Phó Tổng giám đốc tài chính của LT International Holdings Limited – hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và bất động sản; cựu Chủ tịch Credit China Holdings Limited.
Trong khi đó, ông Yam Tak Cheung (Nhậm Đức Chương) nắm quyền sở hữu Integrated Asset Management (Asia) Limited – cổ đông sở hữu 50% vốn còn lại của Marvel Bonus. Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành khoa học máy tính tại đại học Toronto, ông Chương có kinh nghiệm dạn dày trong lĩnh vực đầu tư.
Năm 2014, Integrated Whale Media Investments – pháp nhân được hậu thuẫn bởi ông Nhậm Đức Chương và ông Wong Siu Wah (Sammy Wong), cùng doanh nhân Wayne Hsieh (nhà đồng sáng lập ASUSTeK Computer) đã thâu tóm thành công Forbes Media.
Nhóm nhà đầu tư vừa nêu được cho là đã trả 350 triệu USD tiền mặt và vay thêm 65 triệu USD để tài trợ cho thương vụ./.