Bạn có biết: Các NHTW lớn đang đồng loạt “thắt chặt định lượng"
11:25 26/08/2024
Lần đầu tiên trong lịch sử, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đang đi chung một "chặng đường": Thắt chặt định lượng.
Chính sách thắt chặt định lượng lan rộng toàn cầu (Nguồn: Bloomberg)
Trong ảnh là biến động tổng tài sản của 3 ngân hàng trung ương lớn mà Bloomberg theo dõi, gồm: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ); Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Đáng chú ý, quy mô tổng tài sản của 3 ngân hàng trung ương lớn này đều giảm mạnh so với mức đỉnh hồi năm 2021 – cũng là vùng đỉnh của chu kỳ nới lỏng tiền tệ (QE) trên toàn cầu.
BoJ là cái tên đáng chú ý mới nhất tham gia vào việc thắt chặt định lượng (quantitative tightening - QT). Tháng trước, ngân hàng trung ương Nhật Bản tuyên bố sẽ tiếp tục giảm danh mục trái phiếu đang nắm giữ, hay nói cách khác là thu hẹp bảng cân đối. Theo ước tính của Citigroup, BOJ sẽ giảm 10.000 tỷ yên (69 tỷ USD) trái phiếu nắm giữ vào cuối tháng 3/2025.
Trong khi đó, kể từ năm 2022, Fed đã thu hẹp bảng cân đối kế toán của mình 1,8 nghìn tỷ USD, xuống còn 7,2 nghìn tỷ USD. Còn ECB sẽ thu hẹp bảng cân đối xuống còn khoảng 7,1 nghìn tỷ USD.
Trong quá khứ, các hoạt động thắt chặt định lượng thường gây ra biến động mạnh cho thị trường tài chính. Theo bà Shirai - giáo sư kinh tế tại Đại học Keio ở Tokyo - để hạn chế tác động từ việc thu hẹp bảng cân đối, ngân hàng trung ương tại nhiều quốc gia đang tiến hành hạ lãi suất./.
Nguồn: Bloomberg